Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, người mua thường không mặc cả, trả giá; việc mua đúng giá, đúng chất lượng chỉ biết trông chờ vào sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
Để quản lý việc bán thuốc đúng giá, ngày 7-9-2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành Đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Tuy nhiên đến nay Việt Nam đang là một trong số ít nước trên thế giới còn tồn tại việc mua thuốc không cần đơn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hệ thống phân phối thuốc còn có nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và giá thuốc.
Theo Bộ Y tế, Cổng công khai giá dịch vụ của ngành Y tế tại địa chỉ “congkhaiyte.moh.gov.vn" đã được mở từ năm 2020 nhằm minh bạch thông tin giá thuốc, chi phí dịch vụ khám chữa bệnh và giá thiết bị y tế, ngăn chặn nạn "thổi giá". Thế nhưng, thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng mỗi nơi một giá, giá công khai và thực tế rất khác nhau khiến người dân không thể nào biết được giá trị thực của loại thuốc mà họ mua...
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11-12-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, thông báo mức giá theo quy định của pháp luật và quy định tại nghị định này; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc…
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, nên cũng phải có cách quản lý đặc biệt chặt chẽ. Vì vậy, để siết chặt quản lý, giám sát giá thuốc, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược và vật tư y tế ký cam kết, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc, thực hiện niêm yết giá thuốc, bán đúng giá; niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng thuốc để tiếp nhận thông tin, phản ánh của nhân dân về hành vi vi phạm hành chính của các cơ sở kinh doanh.
Để ngăn chặn tình trạng bán thuốc không có đơn của bệnh viện, không đúng giá quy định còn cần có sự tham gia, hỗ trợ từ phía người dân. Người dân nên báo cáo những trường hợp bán giá cao hơn so với quy định hoặc gian lận trong kinh doanh thuốc…, đồng thời, cần nắm bắt thông tin về giá cả các mặt hàng thuốc để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.