Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá thực phẩm, dịch vụ sau Tết Nguyên đán: Vẫn cao “ngất ngưởng” !

Bài và ảnh: Bảo Nga| 20/02/2010 08:19

(HNM) - Cứ vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, giá các loại hàng hóa thuộc nhóm lương thực - thực phẩm lại tăng đột biến do sức mua tăng cao, lượng hàng khan hiếm. Sau Tết Canh Dần, tại hầu khắp các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, giá các loại thực phẩm, hàng ăn uống, dịch vụ... lại tăng ngất ngưởng.

Bán rau xanh tại chợ cóc trên phố Nguyễn Khắc Cần.


Khác hẳn với không khí bình ổn vài ngày trước đó, đúng vào ngày 30 Tết, các loại thực phẩm tại các chợ nội thành đã đồng loạt tăng giá với tốc độ "phi mã". Giá các loại thịt, rau, hoa, củ, quả... tăng từng giờ là chủ đề được các bà nội trợ bàn tán nhiều nhất trong ngày cuối cùng của năm. Chị Nguyễn Thị Mai, một người bán rau xanh lâu năm tại chợ Nguyễn Cao cho biết: "Chưa năm nào giá rau xanh tăng theo giờ như năm nay. Sáng 30 Tết, một củ su hào có giá 5.000 đồng, nhưng đến chiều đã tăng lên 15.000 đồng. Rau muống tăng từ 7.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ; rau cải chíp tăng từ 3.000 đồng lên 10.000 đồng/bó; cà chua tăng từ 12.000 đồng lên 30.000 đồng/kg... ". Quan niệm năm con hổ Canh Dần nên cúng Giao thừa bằng thịt chân giò khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm, giá tăng vọt từ 50.000 đồng/kg lên 80.000-90.000 đồng/kg nhưng chỉ đến 9h sáng các hàng thịt đều đã trống trơn. Vốn là món "chủ đạo" trong dịp Tết, giá thịt gà vẫn tăng hơn ngày thường khoảng 50.000 đồng/kg, dù lượng hàng hóa không khan hiếm. Tại chợ Nguyễn Cao, chợ Hôm, Hàng Bè, chợ Thành Công... giá gà sống (chưa qua giết mổ) lên đến 100.000-120.000 đồng/kg; gà qua giết mổ có giá 150.000-160.000 đồng/kg. Song tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy, hải sản và thịt bò. Giá cá trắm đen loại to ở mức 250.000 đồng/kg, cá quả 200.000 đồng/kg, cá chép 90.000 đồng/kg, thịt bò thăn 200.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với ngày thường.

Sáng mùng 2 Tết, trong khi các chợ chính chưa mở cửa thì tại các chợ cóc, chợ tạm, hàng hóa đã được bày bán trở lại để phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách ngay từ sáng sớm. Sau những ngày Tết ngấy ngán với những bữa ăn đầy ắp bia rượu, thịt cá... rau xanh và hải sản là những mặt hàng được nhiều người tìm mua, đặc biệt là những món rau dùng để chế biến lẩu. Thị trường nóng hẳn lên bởi sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng hải sản, thịt bò, rau xanh, đậu phụ... Tại chợ cóc trên phố Nguyễn Khắc Cần, một mớ rau muống ngày thường chỉ 4.000 đồng, nay tăng lên 15.000 đồng. Tại chợ Lương Yên, một bó rau cần được bán 20.000 đồng, tăng 4-5 lần so với trước Tết, su hào có giá 15.000 đồng/củ, súp lơ từ 12.000-15.000 đồng/kg, hành tươi từ 50.000-70.000 đồng/kg... Chị Hạnh, một người bán hàng tại chợ tạm trên phố Lương Yên lý giải: "Mấy hôm trời quá lạnh nên không ai muốn ra đồng hái rau. Hàng khan hiếm nên khó mua dù giá rất cao. Sáng nay tôi phải dậy từ 4h sáng, đến tận chợ đầu mối lấy hàng, trong khi ngày thường chỉ cần gọi điện thoại là họ mang đến tận nơi...". Tuy rau xanh được bán với giá "cắt cổ" nhưng nếu không nhanh chân, chỉ đến chiều đã không còn. "Ăn theo" không khí ngày Tết, đậu phụ cũng tăng giá từ 1.500 đồng lên 3.000 đồng/bìa; bún tươi tăng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/kg; riêng cá chép tăng vọt từ 35.000 đồng lên 60.000 đồng/kg, thịt bò thăn giữ nguyên mức 200.000 đồng/kg như trước Tết và không có dấu hiệu giảm giá.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá dường như chỉ tập trung tại một số chợ thuộc khu vực nội thành, ở các chợ ngoại thành, giá cả các mặt hàng tăng không đáng kể. Tại chợ Hà Đông, rau xanh tăng trung bình từ 3.000-5.000 đồng/bó, thịt bò loại 1 có giá 150.000-170.000 đồng, các mặt hàng thủy, hải sản có mức tăng giá chung từ 20.000-40.000 đồng/kg. Riêng ở một số chợ ở huyện Ứng Hòa, giá các loại rau đã trở về mức như ngày thường, đặc biệt thịt gà còn rẻ hơn dịp trước Tết Nguyên Đán, chỉ 80.000 đồng/kg gà sống.

Phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách trong dịp Tết, nhiều nhà hàng, quán ăn chọn ngày mùng 2 Tết để mở hàng lấy may. Bán chạy nhất vẫn là phở, bánh cuốn, bánh mỳ, nộm, bún ốc, bún riêu... nhưng giá cả lại đắt gấp hai, ba lần so với ngày thường. Mùng 3 Tết, tại các "phố ăn uống" như Mai Hắc Đế, Bát Đàn, ngõ Cấm Chỉ... một bát phở gà, phở bò có giá 50.000 đồng nhưng thực khách vẫn nườm nượp vào ra. Tuy nhiên, đến trưa 19-2 (tức mùng 6 Tết), giá cả đã bắt đầu "dễ thở" hơn do các cửa hàng đã đồng loạt mở cửa. Bún ốc trên phố Mai Hắc Đế ở mức 30.000 đồng/bát, bún chả 40.000 đồng/suất, phở bò 30.000 đồng/bát, bún riêu 25.000 đồng/bát...
Không chỉ thực phẩm, hàng quán có giá "trên trời", trước và sau Tết Nguyên đán còn là dịp tăng giá của hàng loạt dịch vụ như đánh giày, rửa xe, trông giữ ô tô, xe máy, giặt là... Khai trương từ mùng 6 Tết, cửa hàng rửa xe trên phố Lê Thánh Tông đã đông nghẹt khách, mức giá đưa ra là 50.000 đồng/ô tô, 20.000 đồng/xe máy nhưng khách hàng vẫn phải "xếp hàng" chờ. Tết cũng là dịp làm ăn của cánh thợ đánh giày, khi giá đánh giày tăng vọt lên 10.000 đồng/đôi.

Dù theo quy luật, giá các loại hàng hóa, thực phẩm, dịch vụ thường tăng cao trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, song chưa năm nào giá cả lại tăng đột biến như năm nay. Chị Thu Hương (ngõ 301 phố Kim Mã than thở: "Tết này được nghỉ dài ngày, các gia đình thường có tâm lý chủ quan không mua tích trữ đồ ăn hoặc kéo nhau đi du lịch. Nhưng ra Tết, đi chợ thấy giá cả tăng đến mức phi lý. Nghe nói trước Tết Nguyên đán thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng dự trữ hàng hóa, ngăn chặn tình trạng đội giá vào dịp Tết, nhưng không hiểu sao giá cả vẫn tăng chóng mặt? ".

Theo quy luật, giá cả sẽ còn giữ ở mức cao và sẽ chỉ hạ xuống sau rằm tháng Giêng. Người dân Hà Nội đang hy vọng cùng với tiết trời đang ấm dần lên, hàng hóa từ ngoại thành sẽ được chuyển vào nội thành, tạo nên sự "trung hòa" về mặt bằng giá giữa các khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá thực phẩm, dịch vụ sau Tết Nguyên đán: Vẫn cao “ngất ngưởng” !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.