(HNM) - Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi đã tăng trở lại với mức 90.000 đồng/kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 3-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Giá lợn tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng... Trong bối cảnh hiện tại, việc khẩn trương ổn định thị trường thịt lợn không chỉ giảm gánh nặng cho mỗi bữa ăn gia đình mà còn góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá lợn tăng - Vì sao?
Sau hơn hai tuần giữ ở mức giá 75.000-80.000 đồng/kg, ngày 4-3, giá lợn hơi đã tăng lên 90.000 đồng/kg, các trang trại chăn nuôi lợn ở khu vực Hà Nội như trong cơn sốt nóng. Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, ngày 4-3 trang trại vừa xuất bán 5 con lợn với giá 90.000 đồng/kg, giá này cao hơn 15.000 đồng/kg so với giữa tháng 2-2020. Hiện tại trang trại đang nuôi 1.000 con nhưng mỗi ngày chỉ có vài con để bán vì lợn chưa đủ thời gian xuất chuồng. Còn bà Bùi Thị Cấn ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Với giá hiện tại, mỗi con lợn xuất chuồng hơn 1 tạ, người chăn nuôi có lãi đến 4-5 triệu đồng. Thế nhưng nhiều gia đình không có lợn để bán. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi mới tạm ổn, gia đình cũng mới nhập 100 con lợn giống về nuôi, song cũng rất lo lắng vì thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất lớn...". Thực tế cho thấy, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội chưa dám tái đàn vì thiếu vốn và lo sợ dịch bệnh...
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá lợn hơi tăng đột biến trong những ngày vừa qua. Trước hết, do doanh nghiệp xuất bán không nhiều, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lợn để bán nên giá bị đẩy lên. Cùng với đó, khâu trung gian là các chủ giết mổ và tiểu thương vẫn giữ mức giá bán cao. Mặt khác, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, chiếm khoảng 65%-70% về đầu con. Do đó, việc tiêu thụ tại các vùng, miền phần lớn phụ thuộc vào thương lái (thu mua, tự giết mổ bán cho tiểu thương tại các chợ). Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tổ chức lưu thông phân phối thịt lợn trên thị trường gặp nhiều khó khăn và giá thịt lợn bị đội lên.
Trong khi thị trường khan hiếm nguồn cung thì các trang trại dù có đủ điều kiện nhưng cũng không thể nhanh chóng tái đàn do giá con giống quá cao. Ông Phùng Văn Hiển ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) nói: “Gia đình tôi muốn nhập 200 con lợn về nuôi nhưng hiện nay nguồn giống khan hiếm và giá con giống cũng quá cao (2,2-2,5 triệu đồng/con) nên đành chịu...".
Cách nào bình ổn thị trường?
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, trang trại có hành vi găm hàng, tăng giá; đồng thời giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng để giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước và tránh tình trạng lây lan dịch bệnh. Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm nhập khẩu thịt lợn góp phần ổn định nguồn cung. “Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành Thú y các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, lợn thịt an toàn lưu thông qua địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền, hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường...”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Với thị trường Hà Nội, để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường việc kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi, tăng cường phối hợp với các địa phương bạn tìm nguồn lợn thịt cung cấp cho thị trường Hà Nội. Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, bên cạnh việc hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ tái đàn theo hướng an toàn sinh học để tăng nguồn cung thịt lợn, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đẩy mạnh việc trao đổi thông tin với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố về các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn, bảo đảm an toàn để giới thiệu, hỗ trợ hoạt động thu mua lợn thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân Thủ đô (bình quân 8.000-9.000 tấn thịt lợn/tháng).
Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn để cung cấp sản phẩm thịt lợn cho thị trường, góp phần bình ổn giá. Đồng thời thúc đẩy việc xây dựng các chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến phân phối ra thị trường, giảm bớt các khâu trung gian, bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng thịt lợn với giá hợp lý…
Việc cân đối nguồn cung, quản lý điều tiết thị trường, kéo giảm giá thịt lợn rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm đời sống cho người dân và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn quý I-2020 cả nước sẽ duy trì ở mức 24-25 triệu con. Còn theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương đã tái đàn được 472.820 con lợn (các trang trại chiếm 95,7%). Khoảng 3-4 tháng nữa khi nguồn cung thịt lợn dồi dào thì giá thịt lợn sẽ hạ nhiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.