(HNM) - Bộ GT-VT đã yêu cầu các đơn vị liên quan trước mắt phải tăng cường công tác cảnh giới, có giải pháp cụ thể tại từng
Dù đã có tín hiệu cảnh báo tự động nhưng người tham gia giao thông đường bộ vẫn vi phạm tại nhiều đường ngang. Ảnh: Khánh Huy |
80% tai nạn xảy ra tại các điểm giao cắt
Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 43 vụ TNGT đường sắt, làm chết 19 người, bị thương 38 người. Trong đó, chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 11 người, tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ Tết Bính Thân 2016. Đặc biệt, trong ngày 4-2-2017 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng tại các đường ngang. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khoảng 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Nguyên nhân các vụ TNGT đều không mới, chủ yếu vẫn do người tham gia giao thông vi phạm pháp luật khi đi qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (chiếm 54%).
Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đang tồn tại quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ. Tính đến cuối năm 2016, trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong đó, chỉ có 641 đường ngang có người gác chắn, 366 đường ngang có cảnh báo tự động và 507 đường ngang có biển báo. Nghiêm trọng nhất là có tới 4.279 đường dân sinh, lối đi dân sinh mở tự phát.
Theo thống kê, trung bình cứ 1km đường sắt có khoảng 2 đường ngang; hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chưa được đầu tư xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp. Thậm chí, nhiều vị trí đường ngang chưa có gờ giảm tốc, vạch dừng trên phần đường bộ; tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ bị hạn chế, các địa phương chưa vào cuộc tích cực trong phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế TNGT đường sắt…
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, mỗi năm Tổng công ty phải trích hàng tỷ đồng để bồi dưỡng cho các nhân viên đường sắt tình nguyện gác tại 39 đường ngang, đường dân sinh. Thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GT-VT và các tỉnh, thành phố, đã có 20 địa phương tổ chức cảnh giới 183 "điểm đen" từ nguồn ngân sách của tỉnh. Ngược lại, vẫn còn 13 tỉnh có đường sắt đi qua không tổ chức cảnh giới.
Theo ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, có một số địa phương khó khăn về kinh phí như Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Nam... gần như không có động tĩnh gì. Thậm chí, có tỉnh, như Hà Nam, dù có bố trí cảnh giới, nhưng trong năm 2016 lại để phát sinh thêm 26 lối đi dân sinh qua đường sắt.
Cần sự phối hợp của địa phương
Việc tuân thủ tín hiệu đường sắt, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn góp phần quan trọng giảm tai nạn giao thông đường sắt.Ảnh: Minh Sơn |
Như đã nói ở trên, số lượng đường ngang (đặc biệt là đường ngang dân sinh) quá nhiều, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế... là những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng TNGT đường sắt. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại qua từng năm. Với hơn 4.200 lối đi dân sinh, không ít lần VNR đề nghị cho xây dựng hệ thống đường gom để gom toàn bộ lối đi dân sinh đưa về vị trí đường ngang hợp pháp (ưu tiên thực hiện trước ở nơi tập trung khu dân cư, thành phố, đô thị), nhưng khó thực hiện bởi đòi hỏi kinh phí lớn. Trong khi đó, vốn cho duy tu đường sắt hằng năm chỉ dao động 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% so với nhu cầu.
Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí và ý thức người tham gia giao thông hạn chế thì chỉ có sự cố gắng của ngành Đường sắt là không đủ, mà cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các địa phương. Nhằm hạn chế TNGT đường sắt, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Tổng công ty VNR cần quản lý tốt hạ tầng đường sắt, tổ chức rà soát khẩn trương những “điểm đen” trên đường ngang và đường dân sinh, đưa ra giải pháp xử lý cụ thể tại từng "điểm đen" và các cung đoạn mật độ chạy tàu lớn. VNR và Cục Đường sắt Việt Nam cần sớm làm việc với các địa phương để thống nhất các giải pháp cần phải làm ngay như lắp thêm thiết bị cảnh giới, gờ giảm tốc…
Ngoài ra, VNR nghiên cứu ngay một số giải pháp về đèn tín hiệu lắp trên tàu, giúp cho người tham gia giao thông nhìn thấy từ xa, tại những chỗ khuất tầm nhìn; làm gờ tại những chỗ ưu tiên; lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông đường sắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.