Thế giới

Gia tăng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Ấn Độ: Cần những giải pháp tổng thể, quyết liệt hơn

Hoàng Linh 05/11/2023 - 06:58

Cuối tuần này, bầu trời thủ đô New Delhi chuyển sang màu xám đậm, với chỉ số chất lượng không khí được ghi nhận "nguy hiểm" nhất trong năm.

Việc đốt rơm rạ khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương Ấn Độ càng trở nên tồi tệ. Diễn biến này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những tác động tiêu cực đe dọa sức khỏe người dân tại đất nước Nam Á.

Tại một số khu vực của New Delhi hiện nay, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) đo nồng độ bụi mịn PM2.5 đã vượt 400, đồng nghĩa tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ở các đô thị đông dân, tình trạng ô nhiễm lúc này càng trở nên nghiêm trọng do luồng không khí lạnh mùa đông giữ bụi từ các công trường xây dựng, kết hợp khí thải từ phương tiện giao thông và khói bụi từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận.

Có tới 39 thành phố của nước này nằm trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở miền Bắc Ấn Độ. Quốc gia Nam Á cũng có trung bình nồng độ bụi mịn PM2.5 cao nhất thế giới, 83/m3 không khí, gấp gần 14 lần so với New Zealand.

Không khí ô nhiễm tác động nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Theo Viện Chính sách năng lượng (EPIC) của Đại học Chicago (Mỹ), không khí độc hại rút ngắn tuổi thọ người dân Ấn Độ, với ước tính khoảng 10 năm đối với người sống tại New Delhi. Thực tế, người dân tại các khu vực ô nhiễm đều ghi nhận triệu chứng đau mắt, ngứa họng và khó thở. The Financial Times dẫn chia sẻ của bác sĩ Arvind Kumar tại Bệnh viện Sir Ganga Ram (New Delhi) cho biết, thay vì 80-90% bệnh nhân bị ung thư phổi do hút thuốc và thường ở độ tuổi 50-60 hồi 30 năm trước, giờ đây hơn một nửa bệnh nhân ung thư phổi tìm đến ông là người không hút thuốc, ở độ tuổi ngày càng trẻ, tỷ lệ nữ giới tăng nhanh.

Ô nhiễm không khí cũng làm gián đoạn nhiều hoạt động xã hội. Những ngày qua, nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở tại New Delhi đã đóng cửa để bảo đảm an toàn cho học sinh. Các nhà kinh doanh máy lọc không khí tại Ấn Độ liên tục chứng kiến tình trạng thiếu hàng do nhu cầu tăng vọt. Chính quyền một số thành phố phải tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng không thiết yếu, áp dụng hình phạt với các phương tiện xả nhiều khí thải, sử dụng vòi phun nước để giảm bớt tình trạng sương mù và khói bụi. Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ làm chậm lại quá trình ô nhiễm, chứ chưa xử lý một cách căn cơ vấn đề là dập tắt các nguồn phát.

Thực trạng công nghiệp hóa nhanh chóng và dân số tăng đã khiến chất lượng không khí ở Ấn Độ suy giảm liên tục, với mức độ ô nhiễm dạng hạt hiện cao hơn 50% so với đầu thế kỷ. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến không khí tại Ấn Độ ô nhiễm.

Trước hết, địa lý của miền Bắc Ấn Độ giống như một cái bát do dãy Himalaya tạo thành một rào cản, khiến không khí khu vực không dễ dàng phân tán. Trong khi đó, hàng triệu phương tiện giao thông, thói quen sử dụng nhiên liệu chất lượng thấp, đốt rơm rạ sưởi ấm và nấu ăn… đóng góp đáng kể lượng bụi khói vào không khí.

Đáng ngại, 246 nhà máy nhiệt điện than của Ấn Độ - hầu hết trong số đó không hiệu quả và gây ô nhiễm cao - đang chiếm 60% tổng sản lượng điện của nước này. Quan trọng hơn cả, vấn đề ô nhiễm cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía người dân. Trong các khảo sát gần đây, chưa tới 20% dân số Ấn Độ đánh giá ô nhiễm không khí là ưu tiên hàng đầu cần giải quyết.

Dù vậy, Ấn Độ từ lâu đã rất nỗ lực giải quyết ô nhiễm không khí. Sách trắng năm 1997 của Chính phủ đã xác định khí thải xe cộ và công nghiệp là thủ phạm chính. Trong những năm 1990, nhiều thành phố đã siết chặt các tiêu chuẩn khí thải, di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cũng như yêu cầu hàng nghìn xe buýt, xe lam chuyển từ diesel sang khí đốt tự nhiên. Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng đóng cửa hai nhà máy điện đốt than tại New Delhi và yêu cầu các nhà máy dùng than chuyển sang sử dụng khí đốt, đồng thời đề ra kế hoạch triển khai ít nhất 8.000 xe buýt điện vào năm 2025. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng tặng bếp gas cho 50 triệu hộ gia đình để giảm việc sử dụng nhiên liệu nấu ăn sinh khối gây ô nhiễm…

Khi tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục trầm trọng, rõ ràng Ấn Độ cần phải tính đến những phương án đồng bộ, tổng thể, và quyết liệt hơn. Dù những mục tiêu phát triển kinh tế là quan trọng, sức khỏe người dân là điều không thể lơ là, đặc biệt với một quốc gia đang có dân số đứng đầu thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Ấn Độ: Cần những giải pháp tổng thể, quyết liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.