Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng nợ đọng bảo hiểm xã hội: Lỗ hổng từ cơ chế

Kim Vũ| 16/05/2013 07:02

(HNM) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong bốn nội dung chính của chính sách an sinh xã hội. Người lao động (NLĐ) mỗi tháng đều phải trích một khoản trong số tiền lương của mình để đóng BHXH, tích lũy cho tuổi hưu trí sau này.

Tuy nhiên, đến hết tháng 2-2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH gần 7.800 tỷ đồng. Ngành BHXH đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ, nặng nhất là kiện doanh nghiệp ra tòa, nhưng việc chây ỳ vẫn tiếp diễn và phải chờ đến thi hành án thì số nợ mới được thu hồi. Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn và có bao nhiêu doanh nghiệp có khả năng chi trả tiền BHXH nhưng lại cố tình nợ? Hướng giải quyết tiếp theo như thế nào với số nợ ngày càng khổng lồ như hiện nay?

Tại các nước phát triển, quỹ BHXH là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất, luôn được giữ an toàn ở mức cao nhất. Còn với quỹ BHXH của Việt Nam, đã có nhiều dự báo và lo lắng cho nguy cơ mất an toàn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có quỹ bảo lãnh quỹ BHXH để bảo đảm chắc chắn khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì vẫn có nguồn dự trữ để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tại Dự thảo sửa đổi Luật BHXH 2007 đang được lấy ý kiến trình Quốc hội ngoài những quy định nặng về mệnh lệnh hành chính cần bổ sung những quy định về cơ chế bảo hiểm nguồn BHXH trong doanh nghiệp, thành lập quỹ điều tiết quốc gia về BHXH để ứng phó với những điều kiện khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh do khó khăn. Có như thế, NLĐ mới không sợ bị mất trợ cấp.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cho biết, một trong những chức năng của BHXH chính là "bà đỡ" cho NLĐ. Nếu lập được quỹ bảo lãnh cho quỹ BHXH thì rất tốt. Song việc thực hiện sẽ rất khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Về vấn đề có vỡ quỹ BHXH hay không, ông Trần Đình Liệu khẳng định quỹ này không thể vỡ vì bất cứ lý do gì. Dù doanh nghiệp khó khăn đến đâu, Nhà nước cũng sẽ tìm ra biện pháp cụ thể để hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Liệu cũng không phủ nhận có doanh nghiệp cố tình trốn đóng, lấy tiền đóng BHXH của NLĐ chi trả vào việc khác và "quỵt", nợ đọng, trốn đóng tiền của BHXH. Ví dụ, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trốn đóng tiền BHXH của 1.000 lao động, họ "lạm dụng vốn" tới 10 tỷ đồng/1 năm. Sau 5 năm, doanh nghiệp báo cáo thua lỗ, xin phá sản. Đặc thù chung của ngành BHXH là cơ quan quản lý về BHXH trên phạm vi quốc gia chứ không có quyền thanh tra các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định. Ngành này cũng không có quyền phạt trực tiếp các doanh nghiệp chây ỳ, chiếm dụng vốn BHXH của NLĐ mà chỉ có quyền kiến nghị. Đây chính là bất cập và lỗ hổng lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, chế tài còn quá nhẹ và "đánh đồng" với mức phạt cao nhất cho nợ đọng là 30 triệu đồng và lãi suất chậm đóng là 11%. Trước sự "nương nhẹ" đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt và đóng lãi thay vì phải hoàn thành trách nhiệm đóng đủ quỹ BHXH.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác như thuế có thể tự thu và được phép thanh tra, xử phạt doanh nghiệp làm sai quy định. Việc để quyền thanh tra, xử phạt nợ đọng BHXH thuộc về một đơn vị khác vô hình trung tạo điều kiện, tiếp tay cho doanh nghiệp sai lại càng sai. Hiện BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp đang thảo luận để đưa ra phương án thống nhất trình Chính phủ đưa tội trốn, quỵt đóng BHXH cho NLĐ thành tội hình sự. Có như vậy mới có thể bảo vệ được nguồn quỹ BHXH đang bị ảnh hưởng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng nợ đọng bảo hiểm xã hội: Lỗ hổng từ cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.