Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nắng nóng

Xuân Lộc| 29/06/2020 07:56

(HNM) - Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây tiêu chảy, ngộ độc đường ruột sinh sôi, nảy nở, xâm nhập vào thực phẩm. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh đồ ăn để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Nhập viện do sử dụng thực phẩm không nguồn gốc

Trong đợt nắng nóng cao điểm những ngày qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Đơn cử như trường hợp bà T.T.L. (64 tuổi ở quận Đống Đa) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, mất nước do tiêu chảy, tụt huyết áp và suy thận. Trước đó, bà L. đã ăn một quả đào mua của người bán hàng rong; khi ăn, bà L. không rửa, không gọt vỏ và chỉ ít lâu sau, bà L. xuất hiện các biểu hiện ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính. Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như: Nấm độc, cá nóc…). Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản thực phẩm, khâu chế biến của người nội trợ. Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau...

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, giai đoạn nắng nóng cũng là mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm. Bởi thời tiết này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh. Thêm vào đó, không ít người không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau, củ, quả, thực phẩm trước khi ăn và chế biến… Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, sức khỏe con người có phần giảm sút, do đó khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn sẽ dễ bị ngộ độc. “Trường hợp của bà L., chúng tôi nghi ngờ do hóa chất tồn dư trong quả đào hoặc có thể do độc tố vi khuẩn nhưng khả năng này thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhận định.

Ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện dưới hai dạng: Cấp tính và mạn tính. Ngộ độc cấp tính là tình trạng bệnh lý cấp tính do ăn phải thực phẩm có chất độc xảy ra đột ngột, biểu hiện bằng những triệu chứng tại dạ dày, ruột, như: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… và những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ra ngộ độc với những biểu hiện đặc trưng của từng loại, như: Tê liệt thần kinh, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, vận động... Ngộ độc mạn tính không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay. Sau khi ăn, các chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, vì tác nhân gây độc rất nhiều nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm hoặc muộn; hầu hết triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không..., xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê…

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cách tốt nhất là chế biến thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...) để tránh ruồi, nhặng, gián… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đồ ăn. Nếu để thức ăn sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Ngoài ra, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ, thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lưu ý, nhiều người có thói quen tích trữ đủ thứ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh. Đây cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, các bà nội trợ đừng coi tủ lạnh là "bảo bối". Bởi, tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi bị ngộ độc thực phẩm, để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy, cần tiến hành bù nước bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.