Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng các bệnh về tiêu hóa: Đâu là nguyên nhân?

Thu Trang| 11/11/2013 06:24

(HNM) - Trong Hội nghị khoa học về bệnh tiêu hóa toàn quốc lần thứ XIX, diễn ra từ ngày 7 đến 9-11, tại Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước nhận định, ở Việt Nam, sự gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân,

Số người nhiễm bệnh về đường tiêu hóa nhập viện ngày càng tăng. Ảnh: Thu Thảo



Đã đến hồi báo động

Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư... Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa. Số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.

Tại Bệnh viện E, mỗi ngày thường xuyên có từ 140 đến 150 bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa được điều trị nội trú. PGS.TS Nguyễn Thúy Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện E, Chủ tịch Liên chi hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam, cho biết: Các yếu tố liên quan đến stress, thói quen thức khuya, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ… tác động rất nhiều đến một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng). Trong số ca bệnh về đường tiêu hóa, số người bị loét dạ dày tăng khá nhanh. Nếu như trước đây, bệnh nhân loét dạ dày chỉ chiếm 1% trong tổng số ca mắc bệnh tiêu hóa phải nhập viện thì hiện nay, tỷ lệ này đã lên đến 10%. Đáng lưu ý, có khoảng 20-25% trong số bệnh nhân loét dạ dày phải điều trị tại bệnh viện là cán bộ công chức, doanh nghiệp.

Theo các giáo sư đầu ngành về tiêu hóa của Việt Nam, hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Nguyên nhân quan trọng khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng là ô nhiễm môi trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất. Các chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra cảnh báo: Nếu tình trạng bày bán tràn lan các loại thức ăn đường phố không được quản lý tốt hơn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như hiện nay thì chỉ vài năm tới, các bệnh ung thư liên quan tới đường tiêu hóa sẽ tăng mạnh, có khả năng dẫn đầu danh sách các loại bệnh phổ biến.

Thay đổi nhận thức, thói quen

Thực tế cho thấy, các bệnh liên quan đến tiêu hóa đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế. Tình trạng quá tải bệnh viện nói chung, quá tải về số người bị bệnh tiêu hóa nói riêng đang diễn ra phổ biến trong các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là ở bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, điều gây quan ngại là phần lớn người dân và ngay cả các cơ sở y tế vẫn chưa đánh giá đúng mức về tác động có hại của bệnh lý tiêu hóa đối với sức khỏe con người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hơn 50% dân số thế giới bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) - một loại vi khuẩn sống trong dạ dày. Trong khi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ nhiễm HP đang giảm thì ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm loại vi khuẩn này vẫn còn cao. Điều nguy hiểm là vi khuẩn HP có liên quan tới sự phát sinh ung thư dạ dày, tỷ lệ dân số nhiễm HP càng cao thì tỷ lệ ung thư dạ dày càng cao. Hiện nay, bệnh ung thư dạ dày chiếm gần 20% số ca ung thư ở Việt Nam. Dù vậy, việc phát hiện bệnh ung thư dạ dày thường ở giai đoạn muộn. Nếu phát hiện sớm, được xử lí sớm thì hy vọng sống của người bệnh sẽ tăng thêm từ 10 đến 15 năm. Thực tế cho thấy, tuy có nhiều tiến bộ song công tác chẩn đoán, điều trị bệnh trong những năm gần đây vẫn còn chưa đạt yêu cầu.

Từ dẫn chứng cụ thể trong công tác chẩn đoán và điều trị vi khuẩn HP, Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam cho rằng, tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, kể cả ở một số bệnh viện lớn, yêu cầu nâng cao nhận thức về nguyên nhân gây bệnh của HP chưa được coi trọng. Thậm chí, có nơi không tiến hành làm xét nghiệm chẩn đoán HP trước và sau điều trị. Trong khi đó, những năm gần đây, tình trạng kháng các loại kháng sinh ở nước ta có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thất bại trong việc điều trị bệnh cũng gia tăng. Trong nhiều trường hợp, do không đánh giá được nguyên nhân thất bại nên bác sĩ không biết kê đơn thuốc tiếp theo như thế nào.

Theo các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa, như đã dẫn ở trên, việc có nhiều người mắc các bệnh về tiêu hóa là do môi trường đang bị ô nhiễm nặng, vệ sinh ăn uống không tốt, từ đó dẫn đến những biến đổi sinh lý liên quan đến dạ dày, gây viêm, loét và ung thư dạ dày, gan, đại tràng... Vì vậy, bảo đảm chế độ ăn thích hợp là điều rất cần thiết cho mọi người. Mặt khác, người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị hoặc uống không đúng đơn của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, tái đi, tái lại hoặc kháng thuốc. Quan trọng hơn, cần có giải pháp cho việc phát hiện bệnh sớm nhằm giúp cho việc trị bệnh đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng các bệnh về tiêu hóa: Đâu là nguyên nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.