Vấn đề là thiếu thông tin chuẩn xác (HNM)- Dịp cuối năm 2010, một vấn đề người tiêu dùng đặc biệt quan tâm là giá sữa của một số hãng nổi tiếng đang bày bán tại thị trường Việt Nam. Thực ra, đây là một vấn đề không mới, nhưng luôn mang tính thời sự nóng hổi.
Đặc biệt, thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông đa chiều khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Từng có thời điểm giá sữa tại Việt Nam được coi là đắt nhất thế giới… Vậy thực chất vấn đề này như thế nào và giá sữa của một số hãng đang bày bán tại Việt Nam là cao hay thấp?
Một cách tiếp cận vấn đề
Khảo sát giá sữa tại siêu thị Carrefour (Kuala Lumpur - Malaysia).
Cùng thời điểm đội tuyển Việt Nam thi đấu trận bán kết lượt đi với Malaysia tối 15-12-2010 tại sân Bukit Jalil, chúng tôi đã thử làm một cuộc kiểm nghiệm giá sữa tại một số siêu thị ở thủ đô Kuala Lumpur. Tại siêu thị CARREFOUR thuộc Mid Valley Shopping Mall & Subangjaya, cũng tương tự như Việt Nam có bày bán đầy đủ sản phẩm sữa hộp của các thương hiệu nổi tiếng như Dumex, Abbott, Enfa, Anmum, Friso… Tuy nhiên, để biết giá những sản phẩm đó cao hay thấp so với Việt Nam là không đơn giản. Thứ nhất, một số sản phẩm của các hãng bày bán ở đây có tên gọi khác với những sản phẩm cùng chủng loại được bán tại Việt Nam. Thứ hai, nhiều khách Việt Nam đi Malaysia hoặc một số nước, mua sữa về thường chọn sản phẩm hộp giấy để tiện cho vận chuyển theo đường hàng không, giá các sản phẩm loại này có độ vênh nhất định so với hộp thiếc. Thứ ba, một số loại sản phẩm trọng lượng và đóng gói khác nhau nên mức giá chắc chắn khác nhau, sự so sánh giá thành theo đơn vị hộp là không chuẩn.
Ví dụ các sản phẩm Dumex Gold tại Việt Nam nếu muốn so sánh với sản phẩm cùng loại ở siêu thị CARREFOUR thì phải lựa chọn Mamex/Mamil Gold. Nếu chỉ nhìn vào nhãn mác Dumex mà tìm những sản phẩm dòng thường đóng trong túi nilon như Dumex Dugro hay Dupro… để so sánh giá thì mức chênh lệch rất lớn (tức Dumex Gold cao cấp bán tại Việt Nam có giá cao hơn nhiều). Đơn giản bởi các sản phẩm cao cấp Gold có công thức dựa trên cơ sở đầu tư khoa học nên cao hơn dòng sản phẩm thường từ 30-100%. Các hãng khác cũng đều có những dòng sản phẩm cao cấp riêng. Vậy nên cách so sánh chuẩn xác nhất là đúng chủng loại sản phẩm bởi với những hãng sữa nổi tiếng, việc sản xuất từng dòng sản phẩm phải tuân thủ theo những quy chuẩn nghiêm ngặt. Mặt khác, phải tính giá thành trên từng gram vì cách đóng hộp có thể khác nhau. Với cách so sánh đó, chỉ có 4 loại sữa bán tại siêu thị CARREFOUR giá rẻ hơn Việt Nam từ 4% đến 9%. Cần lưu ý, đây là giá bán trong đợt khuyến mãi mừng Giáng sinh 2010. Ví dụ Dugro 3 Gold hộp điểm 10 loại 700g ở Việt Nam giá bán 252.000đ (360đ/gr), loại sản phẩm tương ứng tại CARREFOUR là Mamil Gold 3, hộp điểm 10 loại 1kg, giá bán 48,99 ringgit (tiền Malaysia), quy đổi theo tỷ giá thì mỗi gram có giá 328đ (rẻ hơn giá bán tại Việt Nam 32đ/gr, tương đương 9%). Tuy nhiên, nếu không gặp đợt khuyến mãi thì giá bán của sản phẩm này là 58,2 ringgit, giá đó mỗi gram sữa 390đ, cao hơn Việt Nam 8%. Ngoài 4 sản phẩm cứ cho là đang bán rẻ hơn ở ta thì 18 loại sản phẩm của các thương hiệu Enfa, Dumex, Nan, Anmum, Similac… dù đang có giá khuyến mãi vẫn đắt hơn Việt Nam từ 7% đến trên 60%. Cụ thể, sữa Nan Pro1 loại hộp sắt 900g, giá bán tại Việt Nam là 327.600đ (364đ/gr) thì sản phẩm tương ứng bán trong siêu thị CARREFOUR là Nan HA1, giá bán 80,79 ringgit, tương đương 602đ/gr, đắt hơn Việt Nam đến 65%...
Cùng cách tiếp cận như vậy, tại Singapore, tại siêu thị CARREFOUR thuộc Singapore Plaza, giá bán lẻ các mặt hàng sữa bột công thức của các hãng nêu trên đều cao hơn Việt Nam từ 43% đến 101%. Enfalac A+ hộp 900g giá ở Việt Nam là 352.000đ thì trong siêu thị tại Singapore bán với giá 43,1 Singapore dollar (quy đổi ra là trên 706.000đ), cao hơn Việt Nam 100%. Anmum Materna Gold lon 800g tại Việt Nam là 246.000đ, tương đương 308đ/gr; còn ở Singapore hộp 650g là 20,8 Singapore dollar (quy đổi là 341.078đ, tương đương 525đ/gr), cao hơn Việt Nam 70%.
Trên đây chỉ là một cách khảo sát, tiếp cận và xác minh vấn đề của riêng chúng tôi.
Một cách lý giải nguyên nhân
Giá các sản phẩm sữa cũng đã từng được các cơ quan chức năng tiếp cận. Năm 2009, cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính đã có báo cáo chính thức gửi Chính phủ, trong đó có dẫn một số số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Theo tinh thần của báo cáo này thì mặt bằng giá sữa tại Việt Nam nói chung là cao, nhưng chưa phải là… cao nhất thế giới. Thời điểm đó cũng có một số hãng sữa chưa thống nhất quan điểm của số liệu khảo sát. Rồi mới đây, Ủy ban Các công ty dinh dưỡng Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham NFG) cũng đã công bố khảo sát về giá sữa bán lẻ tháng 11-2010 của Việt Nam. Cụ thể, giá sữa trung bình của đại diện 4 nhãn hàng Enfa A+, Dumex Gold, Nan 2, Anmum tại Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á (thấp hơn Singapore 62%, Thái Lan 21%, Malaysia 32%, đặc biệt Trung Quốc đến 93%). Công bố này cũng nhận được nhiều phản hồi từ người tiêu dùng và một số cơ quan truyền thông.
Việc tham khảo giá tại các nước trong khu vực và châu lục là cần thiết và là thông tin quan trọng để giúp người tiêu dùng Việt Nam có thông tin đầy đủ và đúng đắn khi lựa chọn sản phẩm. Vậy nên cơ quan chức năng cần tổ chức những đoàn khảo sát thị trường để có những thông tin chuẩn xác. Mặt khác, cần kiểm tra chặt chẽ các tiêu chí quy cách, chất lượng, nguồn nguyên liệu… để điều hành mặt bằng giá theo đúng cơ chế thị trường. Dư luận còn cho rằng, hiện nhiều hãng sữa "vung tay" vào việc chi hoa hồng cho các đại lý, quảng cáo thương hiệu… vượt quá quy định của Bộ Tài chính (10% doanh thu cho quảng cáo sản phẩm và thương hiệu), làm đẩy giá sản phẩm và người tiêu dùng gánh chịu. Sao những vụ việc vi phạm không được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm và công khai thường xuyên?
Vậy thực chất vấn đề giá sữa tại Việt Nam là như thế nào? Như nhận xét của Tiến sỹ Jonathan Pincus, thuộc Chương trình Giảng dạy Fullbright (Mỹ): Vấn đề của thị trường sữa bột tại Việt Nam là người tiêu dùng thiếu thông tin. Hay như phát biểu của ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng "Điều quan trọng là công bố thông tin giá sữa Việt Nam và khu vực một cách minh bạch".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.