Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá như có quy hoạch tổng thể

Tiên Thêm Sắc| 31/01/2010 07:47

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2009, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm cấp mới và xin tăng vốn đạt 21,48 tỷ USD (bằng 30% so với năm 2008).


Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới thì thu hút được hơn 20 tỷ USD có thể coi là thành công của Việt Nam. Cũng nhờ giải ngân được 10 tỷ USD, các dự án đầu tư này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2009. Tuy nhiên, còn nhiều phi lý trong thu hút đầu tư.

Để phát triển kinh tế xã hội, cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều mong muốn thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, từ sản xuất công nghiệp đến dịch vụ, du lịch. Thu hút được các dự án không chỉ giải quyết được việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương có dự án mà còn ở các địa phương khác. Ngoài giải quyết việc làm, các cơ sở dịch vụ cũng xuất hiện, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều quan trọng nhất là địa phương sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách. Khác với thời kỳ trước, chủ dự án chọn địa điểm hoặc địa phương giới thiệu, nếu chủ đầu tư chấp nhận, chính quyền địa phương sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và đưa điện đến chân công trình thì bây giờ các nhà đầu tư không chấp nhận hình thức này. Thực tế có DN đã phải bỏ cuộc khi chờ đợi bàn giao mặt bằng quá lâu. Nay thì khác, để thu hút dự án, các tỉnh, thành phố đều mở các khu công nghiệp hoặc giới thiệu mặt bằng sạch. Tỉnh, thành nào cũng có chính sách ưu đãi về tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực, miễn giảm thuế thu nhập DN thời gian đầu... Và để tạo thuận lợi về giao thông, có tỉnh cho san lấp đất nông nghiệp cấy được hai vụ lúa hoặc trồng màu nằm ngay sát quốc lộ. Việc đua nhau ưu đãi đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh thành. Tỉnh nào cũng tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư, có tỉnh còn "dắt díu" nhau ra cả nước ngoài. Vì cạnh tranh nên có tỉnh, thành bỏ qua khâu thẩm định công nghệ và kết quả là khi đi vào sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng vì cạnh tranh nhau nên nhiều tỉnh không thẩm định năng lực nhà đầu tư, dẫn đến làm lễ động thổ xong họ để đó để tìm kiếm đối tác sang nhượng.

Cạnh tranh vô lối dẫn đến hậu quả tiêu cực trong sử dụng đất và phân bố dân số, gây ra ùn tắc giao thông. Mong muốn phát triển của các địa phương là đáng trân trọng, song giá như có quy hoạch tổng thể mang tính quốc gia và có tầm chiến lược trong đầu tư lâu dài thì kết quả chắc sẽ khác rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá như có quy hoạch tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.