(HNM) - Là huyện ngoại thành Hà Nội, Gia Lâm đã chủ động vượt qua mọi khó khăn và tích cực khai thác các nguồn lực để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, việc tập trung đầu tư các dự án đã giúp Gia Lâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới và tiến tới xây dựng huyện đô thị văn minh, hiện đại.
Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật
Vừa tập trung xây dựng nông thôn mới, vừa hướng tới xây dựng đô thị văn minh, 5 năm qua (2015-2020), huyện Gia Lâm đã nỗ lực tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, giai đoạn 2015-2020, huyện xác định công tác xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình số 09-CTr/HU ngày 22-1-2016 của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế từng bước vững chắc gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015-2020”. Cùng với đó, toàn huyện nỗ lực thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Gia Lâm xác định xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung là khâu đột phá để tiến tới xây dựng huyện đô thị văn minh. Huyện đã xây dựng các đề án về: Đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung huyện Gia Lâm giai đoạn 2015-2020; tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020; các đề án về nâng cao chất lượng môi trường; quản lý vườn hoa, ao hồ, sân chơi...
Nhờ quyết liệt thực hiện, nhiều dự án trên địa bàn huyện được triển khai thi công và hoàn thành cơ bản bảo đảm tiến độ, giúp huyện nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu Đại hội khóa XXI Đảng bộ huyện và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020) đã đề ra. Đặc biệt là giải quyết cơ bản những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn, giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại…
Trong 5 năm qua, huyện Gia Lâm đã triển khai thi công 403 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đạt 95,5% kế hoạch, trong đó: Hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 256 dự án; đang tổ chức thi công 147 dự án... Huyện cũng đã đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, khớp nối giao thông, đồng thời khai thác quỹ đất hai bên đường để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, huyện đã đẩy nhanh thi công và hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng những tuyến đường hạ tầng khung như: Đường Đông Dư - Dương Xá, đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, đường theo quy hoạch từ đường 179 đến đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được đầu tư theo quy hoạch đang được triển khai như: Tuyến đường từ Khu đô thị Trâu Quỳ kết nối với Khu đô thị Gia Lâm; tuyến đường đê Tả Đuống, đường Yên Viên - Đình Xuyên đến hết địa phận huyện Gia Lâm kết nối với huyện Đông Anh... có ý nghĩa quan trọng, tạo sự kết nối giao thông trong khu vực, kết nối Gia Lâm với nhiều quận, huyện và tỉnh bạn, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điển hình là dự án đường Ỷ Lan, đoạn từ điểm đầu Dốc Lời đến ngã tư giao với đường 181, có chiều dài 2.310m, rộng 23m với 4 làn xe, đồng bộ các hạng mục: Giao thông, thoát nước, cấp nước, cây xanh, chiếu sáng... Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Nguyễn Thị Nam chia sẻ: Cùng với việc được hưởng lợi từ dự án tuyến đường hạ tầng khung, xã còn được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, giao thông trục chính... trị giá hàng chục tỷ đồng, giúp xã nông thôn mới Đặng Xá ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Huyện còn đang tích cực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục khởi công các dự án hạ tầng khung trong quý IV-2020 như: Đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường kết nối giảm thiểu ùn tắc giao thông dọc theo đường sắt từ Ga Phú Thụy đến quận Long Biên; tuyến đường đê Hữu Đuống kết nối với quận Long Biên và huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh)..., qua đó đáp ứng yêu cầu về mật độ giao thông theo tiêu chí đô thị; đồng thời đề xuất, tích cực chuẩn bị triển khai các tuyến đường khớp nối giao thông...
Để giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh liên quan đến giao thông, môi trường khu dân cư, “xóa” đường lầy lội và ngập úng khi mưa, Gia Lâm tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp 172km giao thông trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm... Đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lâm đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Các tuyến đường đều đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy; 100% tuyến đường rộng từ 2m trở lên được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, giúp nhân dân đi lại thuận tiện vào buổi tối và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự khu vực. 52/121 ao hồ trên địa bàn huyện đã được kè cứng hóa, tách nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh.
Nông thôn chuyển mình hướng tới đô thị
Xác định công tác xây dựng nông thôn mới hướng tới đô thị văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt hiệu quả cao. Bộ mặt nông thôn mới thay đổi rõ nét, đồng bộ, hiện đại hơn. Huyện đã và đang tập trung tối đa mọi nguồn lực nhằm hiện đại hóa các trụ sở cơ quan, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa.
5 năm qua, toàn huyện đã xây mới 46 trường học; cải tạo, sửa chữa 38 trường học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường học được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng; có hệ thống đài truyền thanh không dây; được tiến hành lắp đặt các thiết bị thể dục, thể thao tại các khu dân cư… Điển hình như dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Cổ Bi trên tổng diện tích 1.788m2, có hội trường 250 chỗ ngồi, phòng thể thao đa năng, các hạng mục phụ trợ… với tổng vốn đầu tư gần 13,9 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng tháng 11-2019 và hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 4-2020. Ông Nguyễn Văn Thoảng, thôn Cam 2, xã Cổ Bi, cho biết: "Từ khi có trung tâm văn hóa xã, chiều chiều chúng tôi có nơi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, địa phương cũng có điều kiện tổ chức những sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao quy mô hơn trước kia…".
Huyện cũng đã triển khai xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị đồng bộ 22/22 trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND và xây dựng 7 trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn. Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Thị Hương Trà cho biết: Trâu Quỳ là một trong các đơn vị cuối cùng của huyện được đầu tư về trụ sở. Công trình hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo thị trấn trung tâm hành chính của huyện, đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công sở; qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và chất lượng phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao của thị trấn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. Tiếp nhận công trình mới, hiện đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua thực hiện và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, cùng đóng góp trong công cuộc xây dựng huyện trở thành quận như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện đã đề ra.
Hướng tới đô thị hóa nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn và đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí trở thành quận, huyện Gia Lâm đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố, đơn vị tư vấn xây dựng, hoàn thiện Đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại các xã: Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, tỷ lệ 1/500; phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tại khu vực Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị N9, N11, GN tỷ lệ 1/2000; phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ và thực hiện công bố, công khai các đồ án theo quy định... Nhiều dự án giải phóng mặt bằng có quy mô lớn được thực hiện như: Dự án Khu đô thị Gia Lâm (Vinhomes Ocean Park), Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, đường Dương Xá - Đông Dư…
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định: Việc tập trung thực hiện trúng, đúng, đặc biệt là công tác đầu tư hạ tầng khung, từng bước phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đã giúp kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển và thay đổi diện mạo theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.