Đô thị

Gia Lâm phấn đấu phát triển thành quận trong năm 2024

Ánh Dương 26/04/2024 - 06:14

Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, 20/20 xã của huyện Gia Lâm đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Tiếp nối thành công, huyện Gia Lâm đang tăng tốc hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện thành quận trong năm 2024.

gia-lam.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Những thành tựu quan trọng

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, Đảng bộ huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư huyện trở thành quận.

Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện tập trung dồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong phát triển kinh tế, các mô hình trồng rau an toàn, VietGAP, rau thủy canh, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm được chú trọng triển khai. Các làng nghề truyền thống tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập từ 5 đến 12 triệu đồng/ người/tháng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 75,8 triệu đồng/năm (tăng 57,76 triệu đồng/năm so với năm 2010), riêng xã Ninh Hiệp đạt 95,03 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là: Dương Xá, Ninh Hiệp, Bát Tràng, Cổ Bi, Phù Đổng và huyện chỉ còn 147 hộ cận nghèo (chiếm 0,18%), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 0,1%.

Thông qua thực hiện các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"..., thời gian qua, nhân dân huyện Gia Lâm đã đóng góp 18.838 ngày công lao động, hiến hơn 75.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, tổng số tiền đóng góp hơn 495 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.

Hướng tới nông thôn mới - đô thị văn minh

Tiếp tục nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm phát động phong trào giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và được cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, chung sức đóng góp tổng trị giá 17,315 tỷ đồng; trong đó có hơn 8,5 tỷ đồng tiền mặt, 1,022 tỷ đồng từ hiến đất, 861,7 triệu đồng từ ngày công lao động, 6,921 tỷ đồng bằng hiện vật các loại. 100% tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng tại 20 xã đã được thảm nhựa, đổ bê tông hoặc cứng hóa, bảo đảm nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; 100% số hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố...

Chủ tịch UBND xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) Tô Hữu Vịnh chia sẻ, Dương Xá vinh dự được thành phố lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh đầu tiên của Thủ đô. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới cán bộ, nhân dân; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh... Nhiều tiêu chí khó đã được xã thực hiện thành công, góp phần cải thiện đời sống nhiều mặt cho nhân dân.

Với lợi thế là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có nghề truyền thống gốm sứ, được công nhận là điểm du lịch của thành phố từ năm 2019..., Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi cho biết, xã đang tập trung thực hiện các mục tiêu: Hoàn thiện tiêu chí thành lập phường, xây dựng điểm du lịch thông minh - điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại của làng nghề...

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền thông tin, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, nông thôn mới văn minh và hiện đại, tiến tới đô thị văn minh, thông minh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị...

Đồng thời, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố để hoàn thành các nhiệm vụ: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; sớm thực hiện công tác lập quy hoạch phân khu song song theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố; phấn đấu trong quý IV-2024 hoàn thành việc thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Từ năm 2012 đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Gia Lâm là hơn 8.730 tỷ đồng để thực hiện 663 dự án; trong đó ngân sách Trung ương và thành phố 982,268 tỷ đồng, ngân sách huyện 6.517,276 tỷ đồng, ngân sách xã 498,46 tỷ đồng; vốn huy động lồng ghép từ các chương trình phát triển kinh tế 83,45 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 409,429 tỷ đồng; vốn đóng góp từ nhân dân 207,823 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm phấn đấu phát triển thành quận trong năm 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.