(HNM) - Tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Theo dự báo, khoảng 20 năm nữa, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.
Làm gì để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt để bảo đảm an sinh xã hội cho NCT?
Đây là vấn đề được đề cập tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2013 và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 với chủ đề "Già hóa dân số - Những thách thức trong chăm sóc NCT", do Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP Hà Nội tổ chức ngày 26-11.
Cần nhân rộng các mô hình chăm sóc người cao tuổi một cách hiệu quả. Ảnh: Bảo Lâm |
Nỗi lo đến cùng niềm vui
Theo số liệu thống kê, tính từ năm 1960 đến nay, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 lên 73), trong khi thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi (từ 47 lên 68). Tuổi thọ bình quân tăng nhanh trong bối cảnh mức sinh giảm, tất yếu dẫn đến hệ quả là tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng lên rõ rệt. Tuổi thọ người dân tăng cao phản ánh những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, sự gia tăng số NCT đã tác động tới tất cả các mặt công tác, từ tăng trưởng kinh tế nói chung đến thị trường lao động, lương hưu, hệ thống y tế, thiết chế văn hóa…
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc, với tốc độ phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, điều kiện sống được nâng lên và tuổi thọ của người dân cũng được nâng lên, nhiều người sống lâu hơn và đó là điều đáng phấn khởi. Nhưng điều đó cũng đặt Việt Nam trước những thách thức to lớn khi chúng ta chỉ có 6 năm để chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Với khoảng thời gian chuyển tiếp khá ngắn ngủi, chúng ta không dễ có được sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, nguồn lực cũng như chính sách, cơ chế và như vậy, khó tránh khỏi sự lúng túng khi bước vào giai đoạn già hóa dân số nếu không có những giải pháp thích ứng kịp thời. Đặc biệt, cơ cấu dân số già đến sớm, khi nền kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo, điều đó đặt ra bài toán khó về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là với NCT.
Nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi
Thế giới đã coi già hóa dân số là vấn đề toàn cầu và nghiên cứu chung cho thấy, NCT dù ở độ tuổi nào, thuộc giai cấp nào, dân tộc nào cũng cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiểu biết, vui chơi giải trí... Việc chăm sóc NCT phải đáp ứng được yêu cầu đối với những vấn đề cơ bản như ăn, mặc, ở, đi lại, sức khỏe (đời sống vật chất), học tập, văn hóa, thông tin, giao tiếp (đời sống tinh thần). Đáp ứng nhu cầu cơ bản nói trên không phải là điều đơn giản, ngay cả với những nước phát triển. "Hiện tại, ở nước ta, 70% NCT không có lương hưu, bảo hiểm xã hội, trong khi đó, trung bình mỗi NCT phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời mình. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT trong giai đoạn sắp tới là vấn đề rất lớn". Ông Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.
Hôm qua, 26-11, tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng cần sớm xây dựng chế độ bảo hiểm chăm sóc tuổi già. Bên cạnh đó là khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tuổi già, chuẩn bị các mô hình chăm sóc NCT tập trung, tạo điều kiện tốt để sau này NCT có thể vào sống tại các trung tâm chăm sóc NCT mà không phải lo chi phí.
Hiện nay, Việt Nam đã có Trung tâm chăm sóc NCT có công với đất nước, Trung tâm chăm sóc NCT không nơi nương tựa. Hà Nội có Trung tâm chăm sóc NCT ở Từ Liêm và ở quận Tây Hồ đang hoạt động khá tốt... Tuy nhiên, so với yêu cầu chăm sóc NCT trong thời gian tới, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn già hóa dân số, những mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được nhân rộng, đặc biệt là cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm xã hội hóa công tác chăm sóc NCT. Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động sâu rộng để có thể tăng cường chất lượng chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng.
Không chỉ cần nhân rộng hiệu quả các mô hình chăm sóc NCT, vấn đề tạo nền sức khỏe cho người dân ngay từ khi còn trẻ cần được quan tâm đặc biệt. Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác DS-KHHGĐ. Mỗi người cần rõ ý thức quan tâm hơn, tạo điều kiện tốt hơn nhằm giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích bên gia đình và trong xã hội.
Với quỹ thời gian khoảng 6 năm trước khi bắt đầu giai đoạn già hóa dân số và khoảng hai thập kỷ trước khi bước vào thời kỳ dân số già, với xuất phát điểm còn nhiều hạn chế về trình độ phát triển kinh tế, Việt Nam cần có quyết sách sớm cho vấn đề chăm sóc NCT, định hướng đúng về công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới. Chúng ta không còn thời gian an nhàn dù mới đón công dân thứ 90 triệu và hân hoan vì Việt Nam đang ở trong "thời kỳ dân số vàng". Như người ta nói, "nước đã đến chân"…
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội: Để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt sức ép về gia tăng dân số, bảo đảm an sinh xã hội thì trong thời gian tới cần tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ. Không chỉ vận động mỗi cặp vợ chồng thực hiện quy mô gia đình có một hoặc hai con, không lựa chọn giới tính thai nhi để bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai, mà còn phải từng bước đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giống nòi, như sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên và thanh niên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.