17,7 triệu người, tương đương 21,2% dân số nước Đức, có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc bị cô lập xã hội. Số liệu này đã cho thấy mức độ khó khăn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tỷ lệ người Đức được coi là có nguy cơ nghèo đói ở mức 14,3% trong năm 2023, giảm nhẹ so với mức 14,8% được báo cáo ở năm 2022.
Dữ liệu của Văn phòng thống kê liên bang hầu như không thay đổi so với năm 2022, được công bố trong bối cảnh Đảng cực hữu AfD đang cạnh tranh cho cuộc bầu cử cấp bang đầu tiên ở khu vực phía Đông nghèo hơn vào tháng 9 năm nay.
Những cam kết tăng chi tiêu quốc phòng liên quan đến xung đột Ukraine cũng khiến liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz gặp khó trong việc tìm kiếm các biện pháp cắt giảm ngân sách bất chấp tình trạng lạm phát, theo Reuters.
Hãng tin DW cho biết, dân số Đức dự kiến sẽ tăng 0,6% vào năm 2040. Dự báo này dựa trên số liệu về số ca sinh, số người qua đời và số người di cư do Văn phòng thống kê liên bang cung cấp.
Sự gia tăng dân số lớn nhất dự kiến ở bang Baden-Württemberg phía Tây Nam, với mức tăng trưởng 4,6%. Dân số Berlin dự kiến tăng 5,8%. Dân số Hamburg, thành phố lớn thứ hai của Đức, dự kiến tăng 3,5%.
Ngược lại, dân số ở bang phía Đông Saxony-Anhalt dự kiến sẽ giảm 12,3%. Sự sụt giảm dân số cũng được dự báo ở các bang Thuringia với 10,9% và Mecklenburg-Western Pomerania là 7,3%.
Chủ tịch Quỹ Bertelsmann Ralph Heck cho biết, tình trạng già hóa ngày càng tăng trong xã hội Đức là điều hiển nhiên ở hầu hết các bang. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ người dân ở Đức từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 22% ở năm 2020 lên 28% vào năm 2040.
Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động sẽ giảm từ 54% xuống 48% trong cùng giai đoạn, trong khi tỷ lệ nhóm người trẻ tuổi hơn trên tổng dân số hầu như không thay đổi.
“Cần những chiến lược có mục tiêu để phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với các thế hệ cũ và vượt qua những thách thức kinh tế nảy sinh”, ông Ralph Heck nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.