(HNM) - Những năm gần đây, chuối Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản hoặc Châu Âu. Cũng chính nhu cầu tiêu thụ chuối tăng nên nông dân nhiều địa phương ồ ạt trồng chuối. Nếu như mọi năm, chuối được các đơn vị thu mua với giá cao thì năm nay giá chuối tại một số vùng hạ còn một nửa.
Giá chuối xuống thấp kỷ lục khiến người trồng lao đao. |
Chuối ế chất đống cho trâu, bò ăn
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 130 nghìn héc ta trồng chuối tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, với sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 1,4 triệu tấn. Từ việc sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, đến nay chuối Việt Nam đã xuất sang các thị trường lớn như: Châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông, Nga, Hàn Quốc... Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu chuối chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, so với cường quốc xuất khẩu chuối là Philippines, tổng diện tích chuối của Việt Nam không thua kém, nhưng lượng chuối xuất khẩu của nước ta lại thấp hơn nhiều so với các nước có diện tích tương ứng. Những năm về trước, xuất khẩu chuối có phần trầm lắng do thị trường nhập khẩu chưa sôi động, song đến năm 2014, lượng chuối xuất khẩu tăng mạnh nhờ sức hút khắp thị trường từ Châu Á đến Châu Âu. Thời điểm này năm trước, hàng loạt đơn đặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Liên minh Châu Âu, Nga… với nhu cầu hàng trăm tấn chuối/ngày.
Theo các hộ trồng chuối tại Vĩnh Phúc, Lào Cai, vào thời điểm thu hoạch chuối (tháng 9, 10) năm trước thương lái thu mua tại vườn với giá 9.000 đồng/kg. Bán theo buồng cũng phải ở mức giá 100.000 - 140.000 đồng/buồng và dân không có hàng để bán. Lúc đó, người dân trồng chuối tiêu hồng thường lãi khoảng 30.000 đồng/buồng. Thương lái thu mua chủ yếu là đổ buôn sang Trung Quốc. Song, trái ngược năm trước, năm nay thương lái thu mua rất ít, giá bán chuối thấp. Nhiều hộ trồng chuối thu hoạch xong không biết bán cho ai, phải chất đống trong nhà và khi chín thì cho trâu, bò ăn. Hiện giá bán chuối tại vườn chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng/buồng, bán nải chỉ 2.000-3.000 đồng/nải. Mặc dù bán thấp như vậy nhưng thương lái đến mua vẫn ít, các hộ trồng chuối chỉ mong bán rẻ để thu được đồng nào hay đồng đó cũng khó khăn.
Cần có chiến lược cho cây chuối
TS Phan Thế Công, Trưởng bộ môn Kinh tế học vi mô (Đại học Thương mại) nhận định: Hiện thị trường xuất khẩu chuối của Việt Nam không chỉ có Trung Quốc. Tuy nhiên, do không tìm hiểu thị trường, không có định hướng, chất lượng chuối còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo kiểu "chộp giật" sang thị trường Trung Quốc. Chính việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường khiến việc xuất khẩu chuối rơi vào cảnh bị động. Những năm gần đây, diện tích trồng chuối của Trung Quốc ngày càng mở rộng nên nhu cầu nhập khẩu cũng giảm, càng làm cho chuối ở Việt Nam lâm vào cảnh tồn ứ.
Có nghịch lý là trong khi chuối trong nước ế thừa phải cho trâu, bò ăn thì các doanh nghiệp xuất khẩu chuối lại rơi vào cảnh không có hàng để xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, mặc dù sản lượng và giá bán chuối cho thị trường Trung Quốc giảm nhưng các thị trường Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... không giảm. Lý do chính để chuối Việt Nam khó sang các thị trường này là do chất lượng kém, quả nhỏ, không đủ điều kiện để xuất sang các thị trường lớn.
Thực tế, dù tổng diện tích và sản lượng chuối ở phía Bắc lớn nhưng trồng phân tán, nhỏ lẻ, không theo quy trình kỹ thuật nên không những giá thành cao, mà chất lượng, mẫu mã còn xấu, hầu hết không đáp ứng được yêu cầu nhà nhập khẩu. Trong khi đó, yêu cầu kiểm soát chất lượng của nhà nhập khẩu rất nghiêm ngặt khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Việc trồng nhỏ lẻ, rải rác khắp nơi cũng khiến việc thu mua, sơ chế, bảo quản, đóng gói khó khăn và chi phí lớn. Bên cạnh đó là tình trạng thương lái xử lý chuối bằng chất độc hại càng khiến người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay.
Để cây chuối trở thành sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất chuối, tránh phát triển ồ ạt, không có định hướng. Không chỉ đưa các giống chuối mới vào sản xuất mà quá trình sản xuất còn phải tuân theo quy trình để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cần bắt tay với nông dân từ khâu sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu không làm được những điều này, nguy cơ "vỡ trận" tương tự như với vải thiều, thanh long, dưa hấu... là hoàn toàn có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.