Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ghìm cương” tăng giá

Hương Ly| 03/03/2010 07:07

(HNM) - Đợt tăng giá tiêu dùng theo quy luật sau dịp Tết Nguyên đán đã có dấu hiệu


Đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ với người dân mà với cả cơ quan quản lý giá trong việc thực hiện nhiệm vụ "ghìm cương" tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2010 ở mức 7%.

Giá hàng hóa, dịch vụ bắt đầu ổn định trở lại

Giá hàng hóa đã ổn định trở lại sau dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Linh Tâm


Sau chuỗi ngày tăng giá trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, giá các loại hàng hóa, dịch vụ đã ổn định trở lại. Ngày 2-3, khảo sát tại một số chợ như Hàng Bè, chợ Hôm, Thành Công, Ngô Sĩ Liên… chúng tôi nhận thấy, nhiều mặt hàng thực phẩm đã trở lại mức giá bình thường. Hiện giá thịt lợn thăn ở mức 55.000-60.000 đồng/kg; thịt mông sấn: 50.000 đồng/kg; sườn thăn 60.000-65.000 đồng/kg… giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm những ngày sau Tết. Giá các loại thủy, hải sản giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg. Cụ thể, cá chép giá 50.000 đồng/kg; cá trắm trắng 40.000 đồng/kg; cá diêu hồng 65.000 đồng/kg; cá quả 80.000 đồng/kg; trắm đen 140.000 đồng/kg; tôm sú loại to 170.000 đồng/kg; cua và ghẹ biển 350.000 đồng/kg. Các loại rau, củ, quả phục vụ bữa ăn hằng ngày đã trở lại mức giá trước Tết. Cụ thể, bắp cải giá 6.000 đồng/kg; cà chua 8.000 đồng/kg; dưa chuột 10.000 đồng/kg; susu 6.000 đồng/kg; su hào 4.000 đồng/củ, rau muống 3.000-5.000 đồng/mớ… Giá bún tươi trở về mức 8.000 đồng/kg sau khi tăng lên 30.000 đồng/kg trong dịp Tết.

Các loại dịch vụ cũng chấm dứt chuỗi ngày tăng giá. Hiện giá phở bò đã trở về mức 18.000-25.000 đồng/bát thay cho mức 30.000-50.000 đồng dịp Tết; bún riêu, bún ốc trở lại mức 12.000-20.000 đồng/bát, giảm một nửa. Dịch vụ trông giữ xe đã ổn định. Hiện phí trông giữ xe ô tô trở lại mức 10-20.000 đồng/xe (tùy điểm); xe đạp 1.000-2.000 đồng/lượt; xe máy 2.000-3.000 đồng/lượt.

Nhận xét về diễn biến tăng giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, thông thường quý I, lạm phát thường tăng cao vì đây là tháng tết, lễ hội. Quý II, III, giá sẽ ổn định và thường không tăng. Đến tháng 11, giá mới có dấu hiệu tăng trở lại. Những yếu tố gây áp lực tăng giá trong quý I-2010 đã được Chính phủ tính đến và chúng ta hoàn toàn chủ động khi đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát 7% cho cả năm 2010. Cần khẳng định rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, cần đợi đến khi có chỉ số tăng giá tháng 3 để đưa ra những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đầu tư, chi tiêu… cho phù hợp.

Không thả nổi giá hàng hóa

Mặc dù biến động giá trong những tháng đầu năm đã khiến các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội lo lắng, song việc điều tiết giá một số loại hàng hóa thiết yếu theo thị trường là lộ trình tất yếu mà Việt Nam phải thực hiện sau khi đã hội nhập với kinh tế thế giới. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện việc "ghìm cương" tốc độ tăng giá cả năm 2010 ở mức 7%, ngành sẽ thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 03/NQ-CP. Đối với chính sách tiền tệ, sẽ điều hành các công cụ, chính sách linh hoạt, thận trọng, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng; tăng cường giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Về chính sách tài khóa, sẽ thực hiện theo hướng linh hoạt, có sự kiểm soát của Nhà nước nhằm tăng thu và triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 6,2%. Chính sách xuất nhập khẩu sẽ thực hiện theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu nhằm kiềm chế nhập siêu. Về chính sách thị trường, sẽ tăng cường khâu điều tiết, quản lý bảo đảm cung cầu hàng hóa và chống đầu cơ, tăng giá…

Đối với chính sách giá, sẽ thực hiện nhất quán theo cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; điều hành phù hợp với tín hiệu của thị trường thế giới nhưng không thả nổi giá trong nước mà sẽ có những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thích hợp với từng giai đoạn. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các phương án, mức giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản, sẽ khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật… Trên thực tế thị trường, việc khuyến khích cạnh tranh về giá là một trong những chính sách hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý. Cụ thể, trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng ngày 21-2 vừa qua, giá xăng đã điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối đã đưa ra những mức tăng khác nhau sau khi được Chính phủ trao quyền tự quyết định giá xăng bán lẻ. Nếu như Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng 590 đồng/lít xăng, thì một số DN khác, trong đó có Tổng Công ty Dầu khí (PV oil) chỉ tăng 550 đồng/lít. Như vậy sau đợt điều chỉnh này, khách hàng đã có thể lựa chọn điểm mua xăng dầu có giá cạnh tranh hơn. Sự kiện này cũng khuyến khích các DN cung ứng xăng dầu tới đây khi muốn tăng hay giảm giá sẽ phải cân nhắc yếu tố cạnh tranh, từ đó giúp người tiêu dùng có thể mua xăng với mức giá hợp lý.

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại kéo theo nguy cơ lạm phát, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, việc kiềm chế CPI cả năm 2010 phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách điều hành sẽ được Chính phủ đưa ra bắt đầu từ tháng 3-2010. Với những chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ và những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm qua, dư luận xã hội kỳ vọng về việc mặt bằng giá năm 2010 sẽ được điều tiết ở mức hợp lý, góp phần giữ ổn định đời sống của người dân và hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ghìm cương” tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.