Hà Nội kết nối

Gặp người Hà Nội trên quê mới Lâm Hà

Nguyễn Trọng Văn 16/09/2024 - 12:21

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, với sự khuyến khích và chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhiều gia đình Hà Nội đã vào tỉnh Lâm Đồng để khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại vùng rừng núi thuộc địa bàn huyện Lâm Hà ngày nay. Bằng sự cần cù, chăm chỉ của mình, họ đã dần ổn định cuộc sống, làm giàu trên quê hương thứ hai.

lam-ha-2.jpg
Ông Nguyễn Đắc Trị bên ruộng ngô tươi tốt.

1. Người đầu tiên mà đoàn chúng tôi gặp là ông Nguyễn Đắc Trị, hiện cư ngụ tại khu phố Bạch Đằng, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đã 75 tuổi nhưng ông Trị còn nhanh nhẹn, vồn vã đón chúng tôi từ cổng.

Ông Trị cho hay: “Nhà tôi gần pháo đài Xuân Canh bên huyện Đông Anh. Tôi nhập ngũ năm 1971, là chiến sĩ của đội danh dự Quân khu Thủ đô. Năm 1978, tôi phục viên về quê, được đúng 6 tháng thì đưa vợ con vào khu Nam Ban này”. Hỏi về cảm xúc của ông hồi mới rời quê hương vào vùng đất mới này lập nghiệp, ông Trị cười: “Mới vào cũng nhớ quê lắm, nhưng vợ chồng con cái bảo nhau cùng xây dựng quê hương mới trên mảnh đất 1.200m2 được cấp. Sau này, vợ chồng tôi còn khai hoang thêm, nâng diện tích canh tác lên thành 1,6ha”.

Với diện tích đất được cấp ấy, gia đình ông Trị làm ruộng, cấy lúa rồi đào ao thả cá. Ao cá ban đầu cũng nhỏ thôi, sau mở rộng dần. Hiện nay ao cá nhà ông Trị có diện tích còn lớn hơn diện tích đất được cấp hồi mới vào. Hơn 1,6ha đất canh tác cũng vậy, đều do “một tay” cả nhà làm chứ không thuê lao động. Ngôi nhà tạm ban đầu giờ đã thành một ngôi nhà xây khang trang bền vững.

Hồi mới vào, nghĩa là hồi năm 1978 ấy, ông Trị được giao nhiệm vụ làm Trưởng trại chăn nuôi của Nông trường số 4 vùng kinh tế mới. Vợ ông là bác sĩ thú y nên cũng công tác ở đó luôn. Hai vợ chồng vừa làm việc công vừa tranh thủ làm việc nhà. Từng là một người lính nên về sau ông Trị được giao nhiệm vụ mới, đó là làm Trưởng ban an ninh nông trường kiêm Đại đội trưởng tự vệ của nông trường. Ông làm nhiệm vụ đó cho tới năm 1990 thì nghỉ hưu.

2. Xe chạy qua thị trấn Nam Ban tới xã Gia Lâm, rồi rẽ trái đưa chúng tôi tới Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình, một doanh nghiệp chuyên chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn. Được biết, doanh nghiệp Tám Trình là tên ghép giữa anh Đoàn Mạnh Trình, quê ở huyện Mê Linh với vợ là chị Nguyễn Thị Tám, quê ở huyện Đông Anh.

Ông Trình tâm sự: “Nhận thấy nơi đây có nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, nên từ năm 1991, khi cả hai mới 27 tuổi, vợ chồng tôi đã lập doanh nghiệp cà phê”. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình ý thức rất rõ tầm quan trọng của nguồn nguyên liệu đầu vào với chất lượng đảm bảo, sản lượng ổn định. Vì vậy, qua hơn ba mươi năm kinh doanh, công ty đã liên kết với trên 2.000 hộ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trồng trên 2.000ha cà phê với năng suất khoảng 6.000 tấn/năm theo các tiêu chuẩn bền vững như 4C, UTZ, RA.

Hiện nay, ngoài Khu du lịch Tám Trình với diện tích 4ha - vừa có nhà hàng, vừa có diện tích trồng cà phê thì doanh nghiệp Tám Trình còn có 2 nhà máy chế biến cà phê, một ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở nơi này. Nhà máy tại chỗ có công suất 15.000 tấn/năm và nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh có công suất 300 tấn/năm. Sản phẩm được xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu. Trong đó, thành phẩm là 15%, còn lại là xuất cà phê nguyên liệu. Doanh thu đạt 480 tỷ đồng/năm (năm 2024 này dự tính doanh thu tăng 150%).

3. Ông Thái Văn Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, giới thiệu: “Khi vào khu kinh tế mới này nhiều gia đình ở huyện Đông Anh mang theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Đất đai thổ nhưỡng Lâm Hà khá phù hợp cho nghề trồng dâu nuôi tằm nên khi vào đây, ổn định cuộc sống xong là bà con bắt tay ngay vào công việc. Đặc biệt là 15 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt”.

Trên địa bàn thị trấn hiện có 8 cơ sở ươm tơ dệt lụa. Những cơ sở này đều do người địa phương lập ra và đây cũng chính là biểu hiện của sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đã góp phần gìn giữ nghề truyền thống của bà con. Chính quyền hết sức ủng hộ và tạo điều kiện để những cơ sở này hoạt động tốt.

lam-ha-1.jpg
Phân xưởng kéo sợi của cơ sở Cường Hoàn.

Chúng tôi tới thăm một cơ sở ươm tơ kéo sợi ở khu phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban. Đây là cơ sở của ông Phạm Văn Cường, sinh năm 1965, quê ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, vào đây từ khi còn là cậu bé 12 - 13 tuổi. Cơ sở kéo sợi của vợ chồng ông hiện sản xuất 5 tạ kén/ngày. Sản lượng sợi tơ tằm đạt 1,8 tấn/tháng. Đó là vào mùa mưa, mùa lá dâu phát triển và con tằm cũng phát triển. Còn về mùa khô, tuy sản lượng có giảm, nhưng tiến độ sản xuất cũng không giảm nhiều. Ông Cường bảo: “Thu nhập từ việc trồng dâu nuôi tằm cao gấp 10 lần trồng lúa và gấp 3 - 4 lần trồng cà phê nên bà con tích cực lắm. Chúng tôi không lo thiếu nguyên liệu, đang tính đến việc mở rộng phân xưởng, nâng công suất”. Sản phẩm sợi tơ tằm Cường Hoàn được xuất đi nhiều nước, như Nhật Bản, Ấn Độ; và dĩ nhiên là cung ứng cho các nhà máy dệt lụa tơ tằm trong nước nữa.

Hiện nay, cơ sở kéo sợi tơ tằm Cường Hoàn của ông Cường có 22 công nhân làm theo thời vụ, đó đều là người địa phương. Những công nhân thời vụ này có mức thu nhập chừng 6 - 10 triệu đồng/tháng. Chị em là người địa phương nên vẫn tranh thủ làm việc nhà, ví dụ như trồng dâu nuôi tằm hay trồng cà phê. Tuy làm theo thời vụ nhưng thu nhập cả năm vẫn ở mức khá.

Nhờ chăm chỉ chịu khó, cuộc sống của những người con của Thủ đô Hà Nội ở quê mới Lâm Đồng đang ngày một khấm khá hơn. Hẳn là bởi trong hành trang lên Lâm Đồng thuở ấy, những người Hà Nội không chỉ mang theo nhiệt huyết mở đất, khai hoang mà còn có cả phẩm cách văn hóa người Hà Nội, để ngày nay Lâm Hà không chỉ là một huyện phát triển ở khu vực Nam Tây Nguyên, mà còn là mảnh đất mang dáng dấp Hà Nội với những tên đường, tên phố, những món ăn và cả phong cách sống của người Hà thành...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp người Hà Nội trên quê mới Lâm Hà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.