Văn hóa

Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào":Ấm áp nghĩa tình người Hà Nội

Hoài Hương 13/06/2024 17:08

Hơn nửa thế kỷ trước, khoảng đầu năm 1972, tôi và rất nhiều bạn nhỏ ở Hà Nội đã về miền quê sơ tán đợt 2. Hà Nội là tâm điểm đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” làm áp lực với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong các cuộc hội đàm tại Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ, nơi ba mẹ con được đón tiếp và ở suốt gần một năm là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, lợp ngói ở thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Không hiểu vì sao lúc đó còn nhỏ nhưng tôi đã ấn tượng rất sâu sắc tên người, tên thôn, tên xã, để nhớ mãi, không thể quên địa danh này… Có lẽ từ tình người của chủ nhà, một bà cụ già vợ liệt sĩ, một người mẹ liệt sĩ và một cô gái con liệt sĩ chỉ lớn hơn tôi chút ít, tôi cũng chỉ nhớ một cái tên cho cả ba người là “Miền”. Ba người phụ nữ đó đã như người thân thương của ba mẹ con tôi trong những ngày tháng ở nơi sơ tán.

1(2).jpg
Người Hà Nội sơ tán năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Ám áp, nhiệt tình hôm nay...

Câu chuyện bắt đầu từ một đêm thứ bảy của tháng 4-2024, tôi nhìn vào tấm ảnh đã cũ của người bạn văn trẻ - Trung tá Công an Bùi Tuấn Minh, đọc dòng quê quán: "Chương Mỹ, Hà Tây". Bỗng dưng như một chớp lóe trong tôi. Cái tên trong ngăn ký ức của tôi chợt như hé mở. Tôi viết một tin nhắn, rụt rè hỏi người bạn, không biết ở Chương Mỹ giờ có còn thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng…?

Bạn trả lời ngay là có. Rồi tiếp đến hỏi tôi có người quen à? Tôi dè dặt trả lời, ừ, hơn 50 năm, một gia đình đã ở lúc sơ tán, tên chủ nhà là “Miền”, không biết giờ họ còn có ở đó? Bạn nhắn bảo cho thêm thông tin, tôi có nói vài ý như "chìa khóa", bằng trí nhớ không tự tin lắm, từ ký ức của cô bé con chưa tới 10 tuổi là tôi ngày đó.

10 phút sau thì bạn cho biết, có một gia đình chủ nhà tên “Miền”, ngôi nhà vẫn ở đó từ ngày xưa ấy, chỉ là mới hơn, vì đã được xây lại. Còn hơn thế nữa, bạn nói đã nhờ một đồng nghiệp hiện đang ở ngay trong thôn tới liền nhà bà Miền, nối liên lạc qua điện thoại để chúng tôi gặp nhau xem có đúng ân nhân của ngày xưa không.

Tôi hồi hộp và nôn nao, chỉ mấy phút đợi mà cảm thấy sao thật lâu, như một dòng chảy ngược lật lại ký ức. Và đây là cuộc trò chuyện ấy:

- Chị ơi, em đã tới nhà bà Miền. Em vừa hỏi, bà nói có nhớ, ngày xưa đúng là có cơ quan Tòa án Tối cao ở đây, và ở nhà có ba mẹ con sơ tán… Em đưa điện thoại chị nói chuyện với bà nhé.

- A lô! Tôi nghe này.

- Chị Miền, chị Miền phải không?

- À, lâu quá, từ tháng 12-1972 tới giờ. Chỉ nhớ cô Tuân ở Tòa án, người miền Nam, và có hai con nhỏ...

- Đúng rồi. Là mẹ em và hai chị em em.

- Ừ, giờ thì nhớ rồi. Em là con bé gầy như que tăm, cao như cái sào, mắt to tròn, tóc thì xù quăn, sợ sâu thì thôi rồi. Còn thằng em thì tròn như hạt mít, lưng đầy mụn nhọt…

- Ui, chị nhớ đúng rồi…

Hình như thời gian ngưng đọng lại, rồi đang trải rộng cho câu chuyện của chúng tôi không có điểm dừng. Câu chuyện của hơn 50 năm trước như cuốn cả hai chị em tôi xuyên không, về lại năm 1972 thế kỷ trước…

Nhân ái, nghĩa tình năm xưa

Ngày ấy, khi vừa tới thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, ba mẹ con tôi được gia đình bà Miền đón về nhà. Ngay từ lúc ban đầu, tôi đã để ý tới bà Miền - có lẽ hơn tuổi mẹ tôi khá nhiều, nhưng nhìn rất khỏe mạnh, gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi, đã xăng xái cùng với mấy người phụ nữ khác khuân vác các thùng giấy tờ, máy in ronéo, máy đánh chữ của mẹ, cùng thùng quần áo, vật dụng gia đình của ba mẹ con lên chiếc xe cải tiến ba bánh, và giục ba mẹ con: “Nào, ta cùng về nhà thôi”.

vvv.jpg
Chị Miền và gia đình tại nơi từng đón người dân Hà Nội về sơ tán. Ảnh: Hương Hoài

Tôi ấn tượng ngay với hai chữ “về nhà” bà nói, nghe thân thiện, gần gũi kỳ lạ. Vừa vào đến sân, một cô gái nhỉnh hơn tôi chút, da ngăm đen, gương mặt rất xinh, chạy lại nắm tay tôi lắc lắc rồi quay sang mẹ tôi: “Cháu chào cô” một cách vui vẻ và nói luôn: “Cháu tên Miền”. Trong nhà có thêm một cụ Miền chắc hơn 70 tuổi, nghe bà Miền gọi bằng “u”- sau tôi biết là mẹ chồng bà Miền. Mà lạ, hơn 50 năm qua, tôi vẫn không thể quên cái vị bát nước vối lần đầu tiên bà cho uống khi vừa tới nhà. Sao lại ngọt mát đến thế, dù đó là lần đầu tiên tôi uống thứ nước lá này…

Bà Miền đã nhường nguyên gian giữa để mẹ làm việc, và cho ba mẹ con tôi một gian bên để sinh hoạt, học hành, ăn ngủ; còn cả nhà bà dọn vào chung một gian khác nhỏ hơn.

Tôi nhớ bữa trưa hôm đó, bà nói: "Mừng cả nhà mình gặp nhau, mời ba mẹ con cùng ăn cơm với nhà bà". Một bữa cơm đậm ngọt chất quê, tình quê. Sau đó là chuỗi ngày ba mẹ con được cả nhà bà Miền chăm sóc. Có lẽ cảm thông và thương mẹ có chồng đi chiến đấu trong Nam, vì chính bà cụ, bà Miền và chị Miền đều là vợ, là mẹ và con liệt sĩ.

Bà cụ, cứ sáng sớm là ra ngoài sân ngó mấy cây trái quanh nhà, xem có trái nào ương, chín là hái mang vào cho hai chị em tôi. Xung quanh nhà nào là chuối, na, ổi, táo, hồng xiêm, đu đủ, nhãn và một cây vối to...

Còn bà Miền, tôi để ý, trước khi ra đồng làm, sáng nào bà cũng sang cái giếng nhà bên, gánh mấy gánh nước đổ đầy cái bể xi măng để ba mẹ con tôi dùng, không phải ra giếng. Chiều đi làm đồng về, bao giờ bà cũng trút trong giỏ ra cua, cá, tôm và sẻ cho mẹ tôi một nửa để nấu cho hai chị em.

Tôi còn nhớ, khi tôi bị ốm, bà Miền mang cả ổ trứng gà so đưa mẹ, nói bồi dưỡng cho tôi, vì “nhìn nó như cây tăm thế kia”. Khi thằng em tôi bị mụn nhọt khắp người, mẹ tôi bôi thuốc xanh lè mà không hết, bà hái lá nấu nước, nói mẹ tắm cho em, không cần bôi gì, mà thiệt lạ, sau mấy lần tắm, mụn nhọt lặn hết.

Nhớ nhất là chị Miền, không chỉ luôn để mắt giúp tôi làm quen với sinh hoạt ở quê, mà chị còn dạy cho tôi biết bao kiến thức đồng quê đầy thú vị. Cứ tới chiều, chị Miền cho tôi theo ra ngoài đồng, nơi có mảnh ruộng của nhà trồng khoai, ngô, lúa và các loại rau củ. Nhờ chị mà tôi được quan sát như một kiểu khám phá kỳ thú về các cây rau lớn lên, trổ hoa, ra củ, cuốn bắp, ra trái…

Khó kể hết những gì cả nhà bà Miền chăm sóc cưu mang, xem ba mẹ con tôi như người thân ruột thịt trong nhà, không khoảng cách, cho dù tôi còn rất nhỏ, vẫn cảm nhận sự thương yêu chân tình của họ với ba mẹ con tôi...

Ngày chia tay về Hà Nội cuối năm 1972, tưởng chừng sau đó sẽ có dịp quay lại, mà rồi bao nhiêu sự kiện cuốn theo thời gian, để hơn 50 năm sau, tôi mới gặp lại chị Miền qua điện thoại. Chỉ nghe qua giọng nói gần như không thay đổi, cảm nhận sự thân thiện dễ mến, chị nhắn, khi nào ra Hà Nội, ghé nhà chơi. Chắc chắn là thế, em sẽ đến thăm gia đình mình.

Và một đêm cuối tuần ở thành phố Hồ Chí Minh, trong ào ào mưa mùa, tôi thêm một lần cảm nhận sự ấm áp nghĩa tình của gia đình chị Miền, như một trong những phẩm cách khí chất của người Hà Nội.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào": Ấm áp nghĩa tình người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.