(HNMO) - Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 73 năm ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam, sáng nay (29-8), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử “Một thời để nhớ”.
Chương trình giao lưu nhân chứng "Một thời để nhớ" diễn ra sáng 29-8. |
Tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và chỉ huy, chiến sĩ Cụm thi đua số 4 (Trung đoàn 600, Trung đoàn 375, Trung đoàn 312, Phòng Bảo vệ Trụ sở Trung ương Đảng và Quốc hội) được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - lão thành cách mạng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; Trưởng ban đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội; Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh.
Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử về “Một thời để nhớ” đã đưa khán giả quay trở lại ký ức về thời thanh xuân hào hùng. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể về những ngày ông trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam 73 năm về trước với bao gian khó, bao hy sinh mà ông chứng kiến. “Khoảnh khắc thiêng liêng khi nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập vào chiều 2-9 là cảm xúc vỡ hòa trong hạnh phúc, niềm vui vô bờ bến. Tất cả chúng tôi thời điểm đó đã không thể cầm được nước mắt xúc động và tự hào vì cuối cùng, Việt Nam đã giành được độc lập”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chia sẻ.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh gợi lại quá khứ hào hùng với những câu chuyện hoạt động bí mật ở chiến trường khu 6 cùng tháng ngày gian khổ nhưng ông và đồng đội luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình giành độc lập, thống nhất đất nước. “Có những lúc, anh em phải ăn sắn cả ngày, phát huy “hậu cần tại chỗ”, thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày. Có những lúc thiếu thốn, anh em vẫn buộc phải nhổ sắn nhiễm độc lên nấu ăn để cầm cự lấy sức. Vượt qua những gian khổ, khó khăn ấy, chúng tôi không lúc nào nguôi ý chí chiến đấu để giành độc lập cho tổ quốc”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể.
Chiến tranh đã kết thúc nhưng những câu chuyện của lịch sử, của thời đạn bom ác liệt, về bản lĩnh, trí tuệ của những người chiến sĩ năm xưa vẫn có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho giới trẻ ngày nay.
Chương trình giao lưu “Một thời để nhớ” đã góp phần bồi đắp nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ tiền bối đi trước, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đoàn kết một lòng, vượt qua gian khó, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.