(HNMO)-Ngày 26-8, bác sĩ Nguyễn Văn Khơi, khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện (BV) Đa khoa Lào Cai) cho biết, các bác sĩ của BV vừa gắp 1 con vắt dài khoảng 6cm sống nhiều ngày trong cổ họng bé trai 6 tuổi. Nguyên nhân vắt chui vào cổ họng có thể do trước đó bé trai này uống nước suối rừng.
Được biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng buồn nôn, ho khan, ngứa cổ họng. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, cháu bé không có các triệu chứng mắc bệnh hay viêm họng rõ rệt. Tuy nhiên, người nhà cháu bé cho biết, gia đình bệnh nhi sống gần suối. Vì vậy, các bác sĩ nghi ngờ, bệnh nhi có thể bị vắt rừng “làm tổ” trong người. Sau khi nội soi, kết quả hình ảnh cho thấy, một vật thể màu đen được xác định là con vắt rừng dài khoảng 6 cm đang bám chặt ở phế quản của bệnh nhi. Do con vắt trơn lại bám rất chặt vào thành họng, phế quản nên muốn gắp được, các bác sĩ phải xịt thuốc gây tê để con vắt co cứng lại. Sau đó, các bác sĩ tiến hành gắp con vắt ra ngoài.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khơi, việc gắp được đỉa, vắt trong vòm họng, thanh quản, phế quản, khí quản của người dân miền núi khu vực Bắc miền Trung. Thậm chí ngay cả những khách du lịch cũng bị vắt chui vào họng, vào mũi khá phổ biến. Khi mới chui vào cơ thể người, kích thước của vắt chỉ vài mm nhưng chúng sẽ lớn rất nhanh nhờ hút máu của vật chủ. Thường con vắt nằm ở phế quản, hốc mũi, tai, di chuyển loanh quanh, sau đó hút máu và lớn dần.
Trước đó, BV Đa khoa Hữu nghị Nghệ An cũng gắp thành công con đỉa dài 7cm ra khỏi cổ họng bà T.T.X. (72 tuổi, huyện Quế Phong, Nghệ An). Bệnh nhân này hằng ngày có thói quen sử dụng nước khe không qua đun nấu để uống. Do đó, có thể đỉa đã chui vào cổ họng và phát triển. Tương tự, các bác sĩ BV Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai (TP Pleiku, Gia Lai) phát hiện trong mũi bệnh nhân T.X.T (39 tuổi, trú TP. Pleiku) có con vắt rừng đang sống và hút máu. Các y, bác sĩ đã gắp ra con vắt dài 10cm, to bằng ngón tay út. Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân đi rừng và bị vắt rừng nhỏ chui vào mũi và hút máu rồi lớn dần. Khi bệnh nhân đau quá, đi khám các bác sĩ mới phát hiện con vắt và tiến hành gắp khỏi mũi bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi đi rừng không nên uống nước khe suối. Vắt rừng thường sống ở nước suối, bình thường chỉ nhỏ như đầu tăm nên người dân thường không để ý. Chỉ cần uống nước suối là con vắt theo đường miệng chui vào các khoang mũi, họng, thanh, khí, phế quản sống ký sinh. Hầu hết mọi người đều không biết, chỉ sau 10-15 ngày mới thấy ngứa cổ, buồn nôn. Thậm chí, buổi tối còn có cảm giác có con gì bò ra từ cuống họng. Khi gặp các triệu chứng như: Ho ra máu, tức ngực, khó thở, cổ nhiều đờm thì phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.