(HNM) - Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp lâu đời, lại là đất trăm nghề nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, chưa hấp dẫn du khách... Gắn phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề với xây dựng nông thôn mới là vấn đề đang được thành phố chú trọng với nhiều giải pháp và phía trước còn nhiều việc phải làm.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Mặt khác, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định: "Hiện tại, Hà Nội có 1.350 làng nghề, làng có nghề, cùng với cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động du lịch ở các làng quê vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ…".
Thời gian gần đây, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn); khu du lịch trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì)...
Tuy nhiên, những mô hình hiệu quả chưa nhiều. Là một địa phương đi đầu trong việc gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần cho biết, năm 2018, xã Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh với diện tích 128ha. Năm vừa qua, làng nghề đón khoảng 6 vạn khách tới tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch. Việc khai thác làng nghề gắn với du lịch ở Hồng Vân chưa tương xứng với tiềm năng vì cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, các tuyến đường vào xã chật hẹp; nông dân chưa thực sự quan tâm tới việc làm du lịch dẫn đến các dịch vụ đi kèm thiếu hấp dẫn, do vậy hầu như du khách chỉ đến một lần.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì) Nguyễn Đức Dần, xã có hơn 450ha trồng chè, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện và xã đã hỗ trợ người dân trồng chè theo hướng an toàn VietGAP để thu hút khách du lịch tới tham quan, thưởng thức sản phẩm tại địa phương. Thế nhưng việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, do người dân chưa có trình độ, kỹ năng phát triển, mở rộng các dịch vụ du lịch. Sản phẩm chè thì đơn điệu; các công trình phụ trợ chưa đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách tới tham quan…
Phó Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) Nguyễn Diệu Linh cho rằng, thời gian qua, các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để thu hút khách tới tham quan.
Tuy nhiên, phần lớn nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng... Đây chính là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của loại hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn Hà Nội.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Từ thực tế hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, Giám đốc Nông trại giáo dục VietVillage (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) Phạm Văn Quỳnh đề xuất: Hiện nay, nông dân vẫn tự mày mò trong làm du lịch nông nghiệp, do vậy đề nghị thành phố hỗ trợ đào tạo cho người dân về kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ ở các điểm du lịch đã được quy hoạch để thu hút du khách tới tham quan.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu thông tin: Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu cho thành phố triển khai các biện pháp, chương trình nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, hai ngành tiếp tục rà soát các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề ở địa phương, đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ...
Về lâu dài, ngoài việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần giữ gìn nét văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian… để tạo ấn tượng với khách du lịch.
“Sở sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn hóa các dịch vụ phục vụ trong mô hình du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách đến tham quan ở mỗi điểm du lịch trên địa bàn thành phố...” - ông Trần Trung Hiếu cho biết thêm.
Cần xác định được lợi thế của từng địa phương để lấy du lịch làm chìa khóa xây dựng nông thôn mới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, với các địa phương có lợi thế phát triển du lịch, khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải giữ được khoảng không gian cho sự giao lưu giữa du khách với người nông dân cũng như những hoạt động trải nghiệm nông thôn, nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, ẩm thực đặc trưng. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp vào phát triển homestay ở các làng quê, tạo sự khác biệt so với các loại hình du lịch khác…
Có thể nói, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.