Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn giao thông công cộng với phát triển đô thị bền vững

Bùi Tuấn| 28/10/2016 07:15

(HNM) - Nếu không có giải pháp toàn diện và thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng (HKCC) thì các đô thị tiếp tục phụ thuộc phương tiện cơ giới cá nhân khiến ùn tắc và tai nạn gia tăng, cùng đó là ô nhiễm môi trường trầm trọng... - Đây là ý kiến được các chuyên gia khẳng định tại hội thảo về giao thông công cộng (GTCC) hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững, do Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức, tại Hà Nội.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành.


Bị động trong quy hoạch

Việt Nam đã, đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, giao thông tại những thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, vẫn là vấn đề khó khăn.

Theo khảo sát của Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), Hà Nội hiện có khoảng 4.000km đường, chiếm 6-7% diện tích đô thị. Với tốc độ gia tăng phương tiện hằng năm từ 10 đến 12%, hiện các tuyến đường đang bị quá tải bởi gần 6 triệu phương tiện các loại. Là Thủ đô, song mạng lưới GTCC mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Hầu hết các tuyến đường không có đất dự trữ. Với biến động tăng trưởng của con người và phương tiện như hiện nay, thời gian tới nếu không có các giải pháp đột phá thì nhiều đường phố chính của Hà Nội sẽ luôn quá tải, ùn tắc trong mọi khung giờ.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai GTCC ở các đô thị đang gặp không ít khó khăn, thách thức như quy hoạch thiếu đồng bộ; các dự án chậm tiến độ, thiếu tính kết nối và chất lượng dịch vụ chưa cao. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng cao, gây tắc đường và ô nhiễm không khí nghiêm trọng... Khẳng định GTCC chính là xương sống hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận xét, hệ thống vận tải HKCC của các thành phố tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là quy hoạch mạng lưới này mang tính bị động, “đuổi” theo sau phát triển của đô thị và hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt thiếu về quy mô, yếu về chất lượng, tiêu chuẩn thấp và ngày càng xuống cấp khiến dịch vụ xe buýt bộc lộ nhiều bất cập. Có những xe buýt 80 chỗ, nhưng “chất” tới hơn 170 hành khách. Bởi vậy, nếu không có giải pháp toàn diện và thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện hệ thống vận tải HKCC tại các đô thị thì sẽ tiếp tục lún sâu vào phụ thuộc phương tiện cơ giới cá nhân khiến ùn tắc và tai nạn gia tăng, cùng đó là ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Cũng đề cập sự "bị động" trong quy hoạch, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng (Hội KTS Việt Nam) phân tích: Giữa quy hoạch giao thông với quy hoạch xây dựng thiếu tính khớp nối, thậm chí có lúc quy hoạch giao thông đi sau quy hoạch xây dựng. Ví dụ, chúng ta luôn muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng, nhưng ở các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 lại không có quy hoạch điểm đỗ, gửi phương tiện cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng phục vụ ra - vào trung tâm thành phố. Tại các trạm, ga đầu tuyến của xe buýt, xe buýt nhanh, hay tàu điện trên cao, tàu điện ngầm (đang nghiên cứu, triển khai) cũng vậy...

Lấy vận tải công cộng làm trung tâm

Một đô thị nếu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào xe máy sẽ có thể dẫn tới “thảm họa giao thông”. Để giải quyết vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng nêu ra 5 nhiệm vụ, đó là xây dựng định hướng tổng thể về phát triển vận tải HKCC; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; nâng cao tiêu chuẩn đoàn phương tiện; bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ vận tải HKCC; bảo đảm thị trường cho dịch vụ vận tải HKCC. Điều quan trọng là các tỉnh, thành phố phải lấy phát triển vận tải HKCC là trung tâm trong hệ thống GT-VT đô thị; quyết tâm đưa vào vận hành các tuyến xe buýt nhanh và đường sắt đô thị trong thời gian sớm nhất.

PGS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho biết, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển GTCC để xây dựng các thành phố xanh, sinh thái bền vững cho thấy ngoài việc tập trung đầu tư, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, cần nâng cao ý thức người dân. Việc người dân có ý thức sử dụng phương tiện vận tải công cộng thay thế xe cá nhân là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử phạt công bằng, minh bạch.

Giao thông là lĩnh vực phải đi trước một bước trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và GTCC là một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống giao thông đô thị. Do đó, cần sớm phát triển hợp lý hệ thống vận tải công cộng. Với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm để đạt tỷ lệ đảm nhận vận chuyển ít nhất 25-30%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn giao thông công cộng với phát triển đô thị bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.