(HNMCT) - Ngày 21-7, chỉ vài giờ sau trận đấu giữa câu lạc bộ (CLB) bóng đá Than Quảng Ninh và Hải Phòng trong khuôn khổ vòng 17 V.League 2019, hình ảnh cánh cửa phòng thay đồ của đội khách Than Quảng Ninh bị hỏng được đưa lên mạng xã hội với lời bình: “Các cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh đập phá cửa trong phòng thay đồ của sân Lạch Tray sau trận thua Hải Phòng với tỷ số 2-3 tối nay. Một hành động đáng lên án!!!”. Một điều phối viên trận đấu này đã xác nhận sự việc nói trên, nhưng lãnh đạo đội Than Quảng Ninh đã bác bỏ thông tin đó, cho rằng không có chuyện cầu thủ đá hỏng cánh cửa phòng thay đồ trên sân Lạch Tray...
Vài ngày trước sự kiện nói trên, sau vòng đấu thứ 16 trong khuôn khổ V.League 2019, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của Hà Nội FC đã phải đưa ra lời xin lỗi ban lãnh đạo đội bóng này và người hâm mộ bởi đã có hành vi xúc phạm trọng tài. Vị này mắc lỗi ứng xử sau khi đội nhà đánh rơi chiến thắng vào phút cuối trận đấu giữa Hà Nội FC và S.Khánh Hòa trên sân vận động Hàng Đẫy. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên huấn luyện viên này đưa ra lời xin lỗi vì đã có hành vi và lời nói thiếu kiềm chế. Còn nhớ, sau trận bán kết lượt đi Cúp Quốc gia năm 2018 giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội FC, ông Chu Đình Nghiêm đã có phản ứng và lời lẽ khiếm nhã với trọng tài chính điều khiển trận đấu đó. Huấn luyện viên này sau đó bị phạt 15 triệu đồng, bị đình chỉ làm nhiệm vụ trong 4 trận đấu tiếp theo và phải đưa ra lời xin lỗi trước công luận...
Đó chỉ là hai ví dụ gần nhất về cách ứng xử thiếu chuẩn mực của cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá. Trong thực tế, số vụ ứng xử có màu sắc phản cảm là khá nhiều, và sau một số trận đấu ở mùa giải năm nay, báo chí đã phải đặt câu hỏi “cầu thủ đá bóng hay đá người?” sau khi chứng kiến những màn “đấu võ” của họ.
Trong đời sống bóng đá vốn giàu cảm xúc “màu cờ sắc áo”, chuyện thắng - thua là rất quan trọng, lời lẽ chẳng mấy hay ho và những cử chỉ, hành vi mang tính xúc phạm lẫn nhau là điều dễ thấy. Trong một trận đấu mang tính đối kháng, va chạm là khó tránh, những trò tiểu xảo là dễ hiểu và có thể thông cảm được phần nào, nhưng điều không thể chấp nhận là cách nhìn nhận về lối chơi nhuốm màu bạo lực và hành vi phản ứng vô lối với trọng tài từ phía một số cầu thủ và huấn luyện viên - những người từng “lên báo” biện giải đủ điều sau những màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với hàm ý “hiền lành thì làm sao mà đá bóng được”. Nó cho thấy một điều rằng, văn hóa bóng đá, tinh thần fair-play, phong cách ứng xử nhân văn là điều còn thiếu ở nhiều người. Không dễ thay đổi điều đó một khi các huấn luyện viên cũng thể hiện sự thiếu hụt đó và cầu thủ đàn anh không trở thành tấm gương sáng cho lứa trẻ noi theo.
Bóng đá Việt Nam đã có bước tiến dài trong những năm qua, từ thành tích chuyên môn đến kết quả ban đầu trong việc xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp. Những mô hình đào tạo trẻ tiên tiến không chỉ dạy cầu thủ cách đá bóng, mà còn dạy họ cách làm người, cách ứng xử văn hóa trong cuộc sống và trong bóng đá. Cách chơi bóng phi bạo lực, cách ứng xử chừng mực trước các cổ động viên và đồng nghiệp của nhiều cầu thủ trẻ như Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Quang Hải... cho thấy sự dạy dỗ về văn hóa tại các trung tâm đào tạo có ích nhường nào. Nhưng, những người trẻ rồi sẽ phải rời “trường học” để ra đời, sát cánh với đồng đội đến từ nhiều trung tâm đào tạo khác. Khi đó, ngay cả những người có bản lĩnh vững vàng, có tác phong sinh hoạt, thi đấu chuyên nghiệp cũng có thể chao đảo trước tác động không hay từ phía đồng đội, huấn luyện viên, cổ động viên, cũng có thể bị “dàn hot girl” cho “đo ván”.
Cầu thủ bóng đá cũng là con người, sự học không bao giờ là đủ. Học trong các trung tâm đào tạo, học trong bóng đá và học ở ngoài đời. Đó là quá trình rèn luyện khó khăn mà điều kiện cần có đầu tiên phải là một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, tử tế. Bởi vậy, các huấn luyện viên, các tuyển thủ quốc gia và cầu thủ giàu kinh nghiệm cần phải trở thành tấm gương sáng cho lớp trẻ thay vì thể hiện cách ứng xử thiếu văn hóa, nhuốm màu bạo lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.