Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, ông cha ta đã đúc kết: Phải giữ nước từ khi nước chưa nguy. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập và phát triển, việc giữ nước từ sớm, từ xa càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ngày 20-6-2023, tại hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ), Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam; đồng thời khẳng định, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) vào ngày 11-6-2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt nêu: “Chúng tôi đã bắt giữ 65 nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công”.
Trong những năm tháng bình yên, khi nhắc đến hoạt động khủng bố, đa số người dân Việt Nam thường chỉ nghĩ hành động ấy diễn ra ở các nước xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn về chính trị. Nói một cách khác, khủng bố hoàn toàn xa lạ với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, vụ việc ở Đắk Lắk vừa qua đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo toàn xã hội về nguy cơ khủng bố, mất an toàn, đe dọa trực tiếp đến an ninh của đất nước, của quốc gia. Vụ việc cũng khiến xã hội hiểu hơn về “chiếc mặt nạ” của những kẻ điên cuồng tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam; là câu trả lời cho những kẻ thường xuyên nuôi ảo tưởng về "chiếc bánh vẽ" dân chủ phương Tây, chủ trương liên kết đấu tranh bất bạo động, “cõng rắn cắn gà nhà”, hướng tới lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế cho thấy, lâu nay những "vi rút" độc hại - một số tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan - luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, trú chân tại một số quốc gia để thiết lập cơ sở, tạo chân rết, huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập, chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam. Theo đó, chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội nhằm truyền bá chủ nghĩa cực đoan. Chúng thường lợi dụng các vụ việc đơn lẻ, những sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để thổi phồng, kích động cực đoan, hận thù. Các chiêu thức, thủ đoạn, mánh khóe này đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần trên hệ thống thông tin đại chúng.
Có sự tiếp sức của truyền thông "bẩn", "phản động", những người thiếu hiểu biết về chính trị và pháp luật, thiếu niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội rất dễ bị “chuyển hóa”, "nhiễm độc" dẫn đến “tự diễn biến” để rồi tiếp tay cho những hành động phá hoại an ninh quốc gia. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số lượng người dùng internet lớn, càng dễ dẫn đến nguy cơ cao một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết bị kích động, bị ảnh hưởng tư tưởng cực đoan.
Mỗi người dân là thành viên, là hạt nhân của đất nước. Nếu quốc gia hòa bình, ổn định về chính trị thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển, từ đó bảo đảm công dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc bền vững. Nếu bất ổn chính trị, an ninh không được bảo đảm thì trước hết quyền công dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí khó giữ được an toàn tính mạng. Trên chặng đường hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã đúc kết kinh nghiệm hết sức quý báu: Trong nước bất ổn thì chắc chắn ngoại bang sẽ nhòm ngó, lợi dụng để thực hiện mưu đồ xâm lăng. Đây chính là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ mất nước. Hơn lúc nào hết, mỗi công dân Việt Nam cũng như người Việt Nam ở nước ngoài cần nêu cao cảnh giác và có nghĩa vụ, hành động cụ thể đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, mà mỗi cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm rõ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, nắm chắc đối tượng và đối tác để vận dụng trong quá trình công tác nhằm giữ vững ổn định nội bộ cơ quan, tổ chức. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình; tích cực xây dựng phương pháp, tác phong công tác theo hướng khoa học, lấy cống hiến làm đầu. Cần đẩy mạnh “tự soi”, “tự sửa”; chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh thành tích và các hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để liên kết trục lợi bằng cơ chế, "luật ngầm".
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên cần đi đầu trong xây dựng phương pháp, tác phong công tác gắn bó máu thịt với nhân dân. Thông qua mối quan hệ gắn bó với nhân dân để tuyên truyền và nắm bắt thông tin từ cơ sở, chắt lọc thông tin có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, kịp thời thông báo với cơ quan chức năng xử lý. Thời gian qua, cho dù chúng ta đã có được lực lượng công an chính quy làm nòng cốt trong xây dựng an ninh, trật tự ở cơ sở, nhưng qua các sự việc đáng tiếc xảy ra, cần nhận thức sâu sắc rằng: Việc nắm thông tin từ cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong công tác, nếu cán bộ, đảng viên xa dân, không am tường phong tục, tập quán địa phương thì vô hình trung đã để sợi dây kết nối thông tin bị đứt gãy, dẫn đến phải chạy theo tình huống để xử lý.
Dựa vào dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một biện pháp, là kinh nghiệm đã được Đảng ta đúc rút từ rất lâu. Muốn dựa vào dân thì cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ "công bộc" đối với nhân dân. Cần đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết; lắng nghe tiếng nói của nhân dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân. Niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, vào chế độ chỉ có được khi mỗi cán bộ, đảng viên tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Đây chính là giải pháp căn cơ để xây dựng Đảng vững mạnh; là điều kiện tiên quyết để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống hiệu quả những "vi rút" độc hại, phân tuyến kẻ thù, giữ cho non sông gấm vóc Việt Nam trường tồn, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.