(HNMO) - Ngày 23-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý dự.
Tính đến cuối tháng 8-2019, tổng số vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng so với cuối năm 2015; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng (tăng 40,2% so với cuối năm 2015) với gần 6,6 triệu khách hàng dư nợ. Từ năm 2016 đến nay, cả nước có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để phát triển kinh tế, xã hội...
Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo… góp phần hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tại Hà Nội, tính đến 31-7-2019, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố là 7.969 tỷ đồng, tăng 2.781 tỷ đồng (54%) so với năm 2015. Từ năm 2016 đến 31-7-2019, Chi nhánh đã giải ngân 11.045 tỷ đồng cho gần 370 nghìn lượt khách hàng vay vốn thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách; một số chương trình tín dụng đã có ảnh hưởng tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của thành phố giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân; 34.005 hộ cận nghèo, chiếm 1,89% tổng số dân. Với những nỗ lực của thành phố và hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chỉ còn 1,16%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn thành phố còn 2,03%. Năm 2017, Hà Nội không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đến nay, thành phố có 5 quận không còn hộ nghèo là: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm.
Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Nghệ An… đã tham luận về những kết quả tích cực của tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo tại các địa phương; đồng thời đề xuất một số giải pháp để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả tốt hơn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tổ chức linh hoạt các hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nâng cao chất lượng tín dụng, đúng người, đúng đối tượng.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp thu ý kiến của các địa phương, các tổ tiết kiệm vay vốn về nâng mức vay đối với một số chính sách như nâng mức cho vay sinh viên; kéo dài thời gian cho vay đối với hộ thoát nghèo; tăng mức cho vay đối với các hộ sản xuất… HĐND, UBND các cấp cần bố trí nguồn vốn ủy thác cho tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ quá hạn; khoanh và không để phát sinh nợ mới; lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm…
Tại hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng Bằng khen cho 45 tập thể, 5 cá nhân và Ngân hàng Chính sách xã hội tặng Giấy khen cho 136 tập thể, 148 cá nhân có thành tích về tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý trao Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho 1 tập thể và 1 cá nhân; trao Giấy khen của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2 tập thể, 2 cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.