(HNM) - Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người Hà Nội vẫn nhớ như in những kỷ niệm của một thời lửa đạn. Ở đó, có những hy sinh anh dũng ngoài tiền tuyến, nhưng cũng đậm sâu những cống hiến thầm lặng nơi hậu phương.
Chúng tôi về xã Song Phượng, nơi khởi đầu phong trào "Ba đảm đang" của huyện Đan Phượng, được nghe Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tạ Thị Kim Ngân kể về một thời hào hùng. Năm 1965, khi lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, trên cánh đồng Song Phượng chỉ thấy bóng dáng của người phụ nữ, vừa cày bừa cấy nhanh, cấy đúng kỹ thuật, làm thủy lợi, vừa khoác súng trên lưng sẵn sàng đánh giặc. Thời ấy vắng bóng đàn ông, chủ tịch xã là phụ nữ, đội khoa học kỹ thuật cũng toàn là phụ nữ, trên trận địa trực chiến thì hai phần ba quân số là phụ nữ. Phụ nữ hăng hái tay cày, tay súng, đi gặt cả ban đêm dưới ánh trăng. Năng suất lúa đạt tới 7 tấn/ha, cao nhất nước. Phụ nữ xã Song Phượng đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào "ba đảm đang"...
Chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng Hoàng Thị Oanh cho biết, xuất phát từ bức thư của Ban CH Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng năm 1965, gửi BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tây, hứa quyết tâm vận động phụ nữ toàn huyện thực hiện tốt ba nhiệm vụ, BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kêu gọi chị em phụ nữ nhiệt liệt hưởng ứng phong trào "Ba đảm nhiệm" với 3 nội dung chính là đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Theo ý kiến của Bác Hồ - phong trào "Ba đảm nhiệm" đã được đổi tên gọi là phong trào "Ba đảm đang", trở thành phong trào rộng khắp của phụ nữ miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Huyện Đan Phượng được cả nước biết đến là: "Quê hương người gái đảm".
Phát huy truyền thống đó, các thế hệ phụ nữ Đan Phượng đã có nhiều nỗ lực, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo thế vững chắc để toàn huyện thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Hiện nay, Hội Phụ nữ huyện có gần 21.000 hội viên, vừa vận động gia đình, chồng con hăng say lao động, phát triển kinh tế, vừa chủ động phát động phong trào thi đua với những chỉ tiêu cụ thể, những phần việc thi đua thiết thực như ủng hộ xây dựng "mái ấm tình thương", hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phụ nữ khó khăn, tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật... Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện đã vận động hội viên tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, đồng thời giữ vai trò nòng cốt trong việc vận động hội viên đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông. Kết quả, tại các xã Thượng Mỗ, Phương Đình, Trung Châu đã có 142 hộ tự nguyện hiến hơn 1.157m2 đất (trong đó có 128 hộ là hội viên phụ nữ).
Không chỉ hiến đất, góp công làm đường, những phụ nữ có điều kiện kinh tế còn tham gia giúp đỡ hàng trăm chị em phụ nữ khác làm kinh tế và thoát nghèo, điển hình như bà Phạm Thị Hạnh, hội viên Hội Phụ nữ xã Liên Trung, hiện là Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng, Dịch vụ, Thương mại Tuấn Quỳnh. Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 120 lao động và 250 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.
Mỗi năm, bà tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, xây dựng hạ tầng nông thôn. "Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của huyện, tôi đã tham gia ủng hộ 60 triệu đồng và ứng vốn xây dựng các công trình hạ tầng trị giá hàng tỷ đồng" - bà Hạnh cho biết.
Riêng đối với xã Song Phượng là điểm xây dựng NTM của TP, do làm tốt công tác tuyên truyền, phần lớn người dân đều hiểu những hiệu quả to lớn từ xây dựng NTM, đồng thuận triển khai chương trình. Trước đây, các tuyến đường trục chính vào các thôn chỉ rộng khoảng 3m khiến việc phát triển sản xuất và đi lại khó khăn, đến nay đã được mở rộng lên thành 6m, nhiều đoạn rộng tới 9m. Với sự đóng góp không nhỏ của lực lượng lao động nữ, đến nay, Song Phượng đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM và là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng NTM của TP. Đây là cơ sở để huyện triển khai xây dựng NTM ở các xã còn lại. Đan Phượng phấn đấu đến năm 2015 có 7/16 số xã đạt tiêu chí NTM và đến năm 2020, 100% số xã trong huyện hoàn thành. Một diện mạo nông thôn mới, đầy khởi sắc, đang hình thành trên quê hương của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.