(HNM) - Những bất đồng về thành phần nội các mới đã nhanh chóng được giải quyết để chính phủ đoàn kết dân tộc đầu tiên trong vòng 7 năm qua của Palestine, với người đứng đầu là Thủ tướng Rami Hamdallah, chính thức tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Mahmoud Abbas.
Mọi nghi ngờ về tính khả thi của thỏa thuận hòa giải lịch sử giữa Fatah và Hamas đạt được ngày 23-4 đã bị đẩy lùi khi tranh cãi về các thành viên chính phủ từng là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của hai nỗ lực gắn kết dân tộc trước đó.
Tổng thống M.Abbas và Thủ tướng R.Hamdallah gặp gỡ thành viên nội các mới của Palestine. |
Sự khác biệt về quan điểm chính trị, tư tưởng và cách thức đấu tranh với Israel đã ngăn cản hai lực lượng nắm quyền cai quản hai vùng lãnh thổ của Palestine tìm được tiếng nói chung suốt nhiều năm qua. Thật không dễ tìm thấy điểm giao thoa giữa một Fatah ôn hòa, thế tục và theo đuổi đàm phán với Israel với một Hamas cực đoan và kiên quyết không công nhận sự tồn tại của chính quyền Do Thái. Vì vậy, việc Hamas sẵn sàng từ bỏ quyền thống trị Gaza và thuận theo đường lối lãnh đạo của chính quyền Tổng thống M.Abbas, dưới ngọn cờ của Tổ chức Giải phóng dân tộc Palestine (PLO) không chỉ là chuyển biến quan trọng ở nội bộ Hamas mà còn là một sự thay đổi lớn với cục diện chính trị tại Palestine.
Lâu nay, sự tuyệt giao giữa chính quyền Bờ Tây và Gaza dẫn tới sự chia lìa giữa người dân hai vùng ngay trong một đất nước đã làm suy giảm sức mạnh nội tại của Palestine, trong khi cuộc đấu tranh nhằm tìm kiếm một chỗ đứng cho dân tộc này rất cần động lực của đoàn kết. Dẫu chung một đích đến cuối cùng là thành lập một quốc gia độc lập cho riêng mình, nhưng việc đi trên hai con đường khác nhau hoàn toàn đã gây không ít cản trở cho các cố gắng chính đáng của chính quyền Tổng thống M.Abbas. Nếu như nhà lãnh đạo Palestine chủ trương theo đuổi đấu tranh phi bạo lực và kiên trì đối thoại thì Hamas ưa thích "ngôn ngữ" của tấn công vũ trang. Đây được xem là sự ấu trĩ lớn nhất của phong trào Hồi giáo này bởi nó đã tạo cho Tel Aviv cái cớ hoàn hảo để khước từ giải pháp hai quốc gia cùng tồn tại hòa bình. Với việc khắc họa Hamas như mối đe dọa an ninh và sự tồn vong của người Do Thái, những hành động bạo lực lẻ tẻ từ Gaza sang miền Nam Israel cũng trao cho Tel Aviv cơ hội ngàn vàng để tiếp tục vào vai "nạn nhân" nhằm che giấu hình ảnh của một kẻ chiếm đóng luôn đi ngược lại các cam kết. Ở một chừng mực nào đó, sự cực đoan của Hamas cũng khiến cộng đồng quốc tế không "dễ ăn, dễ nói" trong bất kỳ một thỏa thuận nào nhằm thiết lập một nền hòa bình thực sự cho người Palestine. Vậy nên rất dễ lý giải chuyện Israel là chủ thể duy nhất trên thế giới phản ứng "ra mặt" với tuyên bố hòa giải dân tộc của Palestine. Ngoài việc cấm 5 bộ trưởng người Gaza tham gia chính phủ mới tới Bờ Tây, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn kêu gọi thế giới tẩy chay tân chính phủ Palestine. Song kêu gọi vô lý này tỏ ra không hiệu quả. Đến Mỹ, nhà bảo trợ của Israel, cũng đã chuyển thái độ từ nghi ngại sang ủng hộ và cam kết tiếp tục hợp tác với chính phủ mới ở Ramallah. Với lập trường được xem như "cú bạt tai" làm Tel Aviv "chết đứng", Washington đã công nhận tính hợp pháp của tân chính phủ Palestine với 17 thành viên là các nhà kỹ trị mà không có bất kỳ nhân vật nào thuộc Fatah lẫn Hamas.
Vì vậy, xét về tổng thể, quyết định liên kết với phong trào vốn bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) xem là một tổ chức khủng bố không phải là mối nguy cho tương lai của Palestine. Trước mắt, tất nhiên cũng có những khó khăn, rõ ràng nhất là phải đương đầu với thái độ thiếu thiện chí của Israel cùng lời đe dọa sẽ không trả toàn bộ số thuế mà chính quyền chiếm đóng thu từ người Palestine nhằm gây khó dễ cho chính quyền của Tổng thống M.Abbas. Về lâu dài, việc xây dựng thành công một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ mang đến lợi thế cho Palestine trên nhiều mặt trận. Trước nay, sự chia cắt và mối bất hòa giữa Fatah - Hamas đã trở thành rào cản chính đối với mục tiêu của ông M.Abbas là thành lập một nhà nước độc lập bao gồm cả Bờ Tây, Gaza với thủ đô là Đông Jerusalem. Sự quy thuận với lập trường ôn hòa của ông M.Abbas cũng là một chiến thắng đối ngoại khiến Palestine sẽ xuất hiện với một vị thế mới trong quá trình tìm kiếm sự công nhận của quốc tế.
Với nước cờ này, Tổng thống M.Abbas cũng thể hiện sự tiếp cận hoàn toàn khác đối với tiến trình đàm phán đang bị ngưng trệ do sự thiếu thiện chí của Tel Aviv. Bằng một chính phủ thống nhất, nhà lãnh đạo ôn hòa này cũng gửi đi thông điệp rằng Palestine luôn có những lựa chọn khác để thực hiện quyết tâm độc lập dân tộc mà không theo luật chơi áp đặt kiểu Israel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.