Theo dõi Báo Hànộimới trên

G7 đồng thuận về những “hồ sơ nóng”

Mai Chi| 29/05/2017 06:35

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lần thứ 43, diễn ra tại TP Taormina trên đảo Sicily của Italia, đã trở thành tâm điểm quốc tế cuối tuần qua.

Lãnh đạo các nước G7 tại hội nghị lần thứ 43.


Ngay trước thềm sự kiện được mong đợi này, nước chủ nhà Italia đã nhiều lần khẳng định đây không phải là một cuộc thảo luận dễ dàng, thậm chí còn lo ngại hội nghị sẽ thất bại trong việc ra tuyên bố chung do những bất đồng quá lớn giữa các nước thành viên, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Sự lo ngại này không phải là không có căn cứ.

Tổng thống Mỹ D.Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một “trò đùa”, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama vì đã để Mỹ tham gia Thỏa thuận Paris mà không có sự thông qua của Thượng viện. Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, người đứng đầu nước Mỹ đã ký sắc lệnh xóa bỏ các quy tắc và điều khoản về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, vốn được coi là di sản từ thời cựu Tổng thống B.Obama.

Các chuyên gia cảnh báo, đây có thể là khởi đầu của nỗ lực nhằm rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris bởi quyết định trên sẽ khiến nước này hầu như không thể đạt được mục tiêu đề ra là cắt giảm 26-28% lượng khí phát thải nhà kính so với mức năm 2005.

Tại cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo G7, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng từ chối đưa ra lập trường rõ ràng về vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này buộc 6 thành viên còn lại của G7 thống nhất tiếp tục thực thi Thỏa thuận Paris và đợi quyết định từ phía Mỹ. Trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có rút khỏi hiệp định lịch sử về chống biến đổi khí hậu hay không vào tuần tới.

Trong khi tồn tại khoảng cách lớn về những nỗ lực làm chậm quá trình ấm lên của trái đất thì các nhóm vấn đề khác được thảo luận tại hội nghị ghi nhận những tín hiệu khả quan. Sau cuộc họp, các nước G7 đã ra thông cáo chung, thể hiện sự đồng thuận trong một loạt vấn đề quan trọng như bán đảo Triều Tiên, thương mại, chống khủng bố, an ninh mạng.

Theo đó, G7 sẵn sàng tăng cường các biện pháp đối phó với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân. Liên quan đến vấn đề thương mại, các lãnh đạo G7 tái cam kết mở cửa thị trường và chống chủ nghĩa bảo hộ cũng như các hoạt động thương mại không công bằng.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa phải đương đầu với hàng loạt sự kiện đe dọa an ninh như vụ tấn công khủng bố tại TP Manchester (Anh), tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu, những nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhất trí cần tăng cường hợp tác và thực thi các biện pháp cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc của các công ty truyền thông và mạng xã hội để ngăn chặn sự phát tán những tư tưởng cực đoan.

Cũng theo văn kiện trên, G7 sẵn sàng "áp đặt thêm các biện pháp hạn chế" đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine yêu cầu các nước phải làm điều này. Ngoài ra, tuyên bố chung của G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên "các thực thể tranh chấp".

Là những quốc gia phát triển nhất thế giới, các hội nghị của G7 luôn được dư luận dõi theo vì những vấn đề được đề cập và các cam kết được đưa ra là những thông điệp rõ ràng phản ánh quan điểm của các cường quốc, tác động lớn đến việc giải quyết những hồ sơ nóng cũng như tương lai các mối quan hệ chính trị, kinh tế toàn cầu.

Do vậy, dù vẫn còn bất đồng nhưng sự thống nhất của các lãnh đạo G7 trong rất nhiều vấn đề đã thể hiện sự quyết tâm nhằm đối phó với những mối quan ngại đang nổi lên, hướng tới mục tiêu bảo đảm sự ổn định của môi trường an ninh và kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
G7 đồng thuận về những “hồ sơ nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.