(HNM) - Với số đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế tham gia đông nhất từ trước đến nay, Festival Huế lần thứ 8 hứa hẹn sự mới lạ, hấp dẫn.
Kết nối di sản văn hóa năm châu
Tiếp tục chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", Festival Huế lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12 đến 20-4, quy tụ hàng trăm chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Với vai trò chủ nhà, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ "đãi khách" bằng những làn điệu ca Huế ngọt ngào trong ngày hội "Âm sắc Hương Bình"; đưa du khách trở về quá khứ qua chương trình nghệ thuật "Đêm Hoàng cung", "Âm sắc Việt"... Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2014 cho biết, trong không gian lung linh, cổ kính của Đại Nội, "Đêm Hoàng cung" sẽ đặc sắc hơn, đưa dạ tiệc cung đình trở thành nghệ thuật văn hóa ẩm thực cao cấp phục vụ du khách. Bên cạnh đó, "Đêm Hoàng cung" sẽ có các hoạt động diễn xướng, trò chơi cung đình, trò chơi dân gian giúp du khách hiểu rõ hơn sinh hoạt văn hóa trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đặc biệt, cung Diên Thọ là địa điểm nhóm nhã nhạc Phú Xuân (Huế) và các nghệ sĩ trẻ giới thiệu, biểu diễn âm nhạc truyền thống trong chương trình "Âm sắc Việt"…
Chuẩn bị cho lễ hội áo dài tại Festival Huế 2014. Ảnh: Diên Thống |
Không nằm ngoài mục đích tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ đến Huế quảng bá khối di sản văn hóa đồ sộ của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ sẽ trình diễn các làn điệu hát Xoan độc đáo. Tương tự, di sản Đờn ca tài tử Nam bộ sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP Hồ Chí Minh) giới thiệu đến công chúng… Như thường lệ, sân trước điện Thái Hòa sẽ là sân khấu để 11 quốc gia phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Mông Cổ, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam) trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc mình trong "Đêm phương Đông". Còn "Lễ hội áo dài" với 600 mẫu áo dài của 18 nhà thiết kế trong nước, quốc tế được trình diễn không chỉ tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam mà còn chuyển tải giá trị văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Festival Huế lần thứ 8 là địa chỉ hội tụ, giao lưu, kết nối di sản văn hóa thế giới còn được thể hiện thông qua việc số đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia tăng nhiều so với các kỳ Festival trước. Nếu như Festival Huế năm 2000 chỉ có 1.000 nghệ sĩ, diễn viên ở 4 quốc gia tham gia, thì đến năm 2014, con số này tăng lên 1.400 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc năm châu lục. Hơn thế, trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2014 còn có "Liên hoan ẩm thực quốc tế ASEAN+3"; "Hội nghị Bộ trưởng Phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3"; "Liên hoan Múa quốc tế"… "Ở khía cạnh này, Festival Huế không còn là sự kiện của riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, mà là một trong những sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa các vùng miền đất nước, kết nối di sản văn hóa năm châu", Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên khẳng định.
Đưa di sản đến gần công chúng
Cùng với mục tiêu giao lưu, trao đổi văn hóa quốc tế, Festival Huế lần thứ 8 còn có nhiệm vụ đưa di sản đến với cộng đồng. Trên tinh thần đó, những người tham dự sự kiện sẽ được sống trong không khí của Festival, được thưởng thức các loại hình nghệ thuật độc đáo thông qua các chương trình biểu diễn cộng đồng của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Điểm nhấn của các hoạt động cộng đồng là chương trình "Phố đêm" do chính người dân Huế tổ chức xung quanh Hoàng thành của Đại nội Huế. Tại đây, người dân sẽ giới thiệu, bày bán thực phẩm, hàng lưu niệm do mình làm ra và trình diễn các tiết mục văn hóa, nghệ thuật "cây nhà lá vườn". Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng như: Lễ hội "Chợ quê ngày hội" diễn ra tại cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy); "Hương xưa làng cổ" tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền); chương trình ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế; nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc đường phố tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…
Nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng, đồng thời tránh sự lặp lại, chương trình khai mạc Festival Huế năm nay sẽ diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ đài. Sân khấu chương trình nghệ thuật bế mạc sẽ có sự kết hợp về hình ảnh, không gian của các công trình mang tính biểu tượng cho văn hóa Huế (cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba và Bệnh viện TƯ Huế); trong đó, cầu Trường Tiền sẽ là sân khấu chính với nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Đây cũng là những điểm mới nổi bật của Festival Huế 2014. "Cái mới ở đây không có nghĩa là mới hoàn toàn mà vẫn dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô nói riêng, bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung", ông Ngô Hòa khẳng định.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Festival Huế 2014 đã hoàn tất, các đoàn nghệ thuật đã có mặt tương đối đủ, tất cả đã sẵn sàng cho một kỳ Festival có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.