(HNM) - Dù chưa có kết quả từ cuộc họp kéo dài hai ngày (20 và 21-9, giờ địa phương) của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - nhưng các chuyên gia kinh tế đều nhận định cuộc họp này diễn ra trong một tình thế khó cho FED khi nền
Kinh tế Mỹ tăng trưởng khá ổn định nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. |
Với lãi suất chuẩn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi trên khắp thế giới hiện vẫn được duy trì ở mức 0,25-0,5%, FOMC đã nhiều lần nói tới dự định tăng lãi suất trong năm nay. Về tổng thể, kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Tuy chưa hoàn hảo nhưng ở góc độ vĩ mô, tỷ lệ thất nghiệp trong gần một năm qua luôn duy trì ở mức 5% trở xuống, nền kinh tế cũng được dự báo tăng trưởng 2% trong năm nay. Thực tế thì hầu như những vấn đề mà FED đối mặt trong quá khứ đã lắng dịu và người tiêu dùng Mỹ đang vui vẻ, chi tiêu tăng mạnh. Đến thời điểm này, sự kiện nước Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh Châu Âu (còn gọi là Brexit) đã tạm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc cũng đã vào quỹ đạo ổn định. Giá dầu đang nằm trong tầm kiểm soát. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã quay lại các mức cao kỷ lục và tuyển dụng vẫn khá tốt. Ngân hàng trung ương Mỹ đang giữ lãi suất ở mức quá thấp với sự bào chữa rằng “kinh tế vẫn khủng hoảng”.
Nhận định của Ngân hàng trung ương Mỹ dường như đang được "phụ họa" bởi một vài số liệu kinh tế có phần yếu trong những tuần gần đây của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những chỉ số kinh tế không mấy sáng sủa trong tháng 8 vừa qua như sức mua giảm, chỉ số sản xuất và dịch vụ không cao và tuyển dụng thấp đã làm giảm đi kỳ vọng về việc FED sẽ tăng lãi suất trong tháng này, dù trước đó Chủ tịch FED Janet Yellen đã bóng gió về việc này. Chỉ ba tuần trước, phát biểu ở hội nghị thường niên các quan chức ngân hàng trung ương tại Jackson Hole (bang Wyoming) cho thấy rằng, FOMC có thể nâng lãi suất khi kết thúc cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, các số liệu sau đó không ủng hộ họ. Dù con số việc làm mới vẫn tương đối cao và thị trường nhà ở ổn định, thế nhưng, tiếp tục đà giảm trong quý II, sản lượng công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu. Và yếu tố khiến FED còn do dự là lạm phát vẫn chỉ duy trì ở mức 1,6% so với mục tiêu đề ra là 2%. Tương tự, tiền lương chỉ tăng 2,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức mong muốn của FED là từ 3,5% trở lên. Trước thềm cuộc họp lần thứ 6 của FOMC trong năm nay, các quan chức FED công khai bày tỏ những quan điểm đối lập nhau trong vấn đề lãi suất. Người ủng hộ việc tăng lãi suất cho rằng, việc làm này sẽ ngăn chặn tình trạng quá nóng của nền kinh tế, thế nhưng những thành viên có quan điểm ôn hòa nói đến những rủi ro có thể làm gián đoạn sự hồi phục vốn còn chậm của kinh tế Mỹ.
Trong khi chờ thông báo của FED, thị trường chứng khoán bắt đầu biến động hơn sau hai tháng bình yên. Trong 6 phiên giao dịch vừa qua, chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng/giảm ít nhất 1% tới 4 lần, trong đó có 2 lần tăng và 2 lần giảm. Chỉ số biến động CBOE, số liệu được quan tâm nhiều nhất về tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trong ngắn hạn, hiện ở mức cao trong gần hai tháng. Theo dự đoán, FED rất có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này. Nếu vậy, sự chú ý sẽ chuyển sang lần nhóm họp tới của ngân hàng vào tháng 12. Các nhà kinh tế đã nâng khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 từ 30% lên 40%. Như vậy, cuộc họp tháng 9 này cũng chỉ có thể gửi đi một thông điệp mạnh về đợt tăng lãi suất trước cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.