Khi nghi ngờ người dùng đang bị một hacker/nhóm hacker có sự hậu thuẫn của một chính phủ đằng sau tấn công, Facebook sẽ gửi thông báo cảnh báo tới người dùng.
"Dù chúng tôi luôn có các biện pháp để bảo vệ tài khoản của người dùng, nhưng việc cảnh báo như thế này vẫn rất cần thiết, nhất là khi chúng tôi nghi ngờ vụ tấn công đó có một chính phủ đứng sau", Giám đốc Bảo mật Alex Stamos của Facebook cho biết. "Chúng tôi bổ sung thêm hình thức thông báo mới này vì càng ngày, các vụ tấn công do Chính phủ hậu thuẫn thường tinh vi và nguy hiểm hơn so với những dạng thức tấn công khác. Chúng tôi rất khuyến khích những người dùng bị ảnh hưởng có các biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn bộ tài khoản trực tuyến của mình".
Nếu như người dùng bắt gặp thông báo này, họ cần hiểu rằng không phải bản thân Facebook đang bị tấn công (dưới bất cứ hình thức nào). Thay vào đó, chính máy tính/smartphone của người đó đã bị nhiễm mã độc và mã độc này đang tìm cách truy cập vào tài khoản của họ.
Facebook cho biết không thể giải thích được về cách phân biệt giữa những vụ tấn công nhỏ lẻ với tấn công có chính phủ hậu thuẫn, bởi hãng này cần phải "bảo vệ các quy trình và phương pháp của mình", song hứa hẹn sẽ chỉ cảnh báo người dùng khi có "các bằng chứng vững chắc" mà thôi.
Nói cách khác, Facebook sẽ không cảnh báo bừa. Một khi bạn nhận được thông báo từ Facebook, bạn nên tiếp nhận nó một cách nghiêm túc. Mạng xã hội này cũng khuyến cáo reset hoặc thay thế lại hệ thống đã bị lây nhiễm mã độc, cũng như kích hoạt thêm các cơ chế xác thực đăng nhập khác.
Nếu bạn vẫn chưa hình dung được các vụ tấn công có chính phủ hậu thuẫn có thể gây hậu quả ra sao, hãy nhớ lại vụ hacker Bắc Triều Tiên từng tấn công Sony Entertainment hồi năm ngoái, đánh sập toàn bộ hệ thống máy tính hãng này cũng như tiết lộ cả loạt thông tin cá nhân, nhạy cảm của các nhân viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.