(HNMO) - Các nhà lãnh đạo châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến hôm nay (15/20) sẽ thảo luận về các biện pháp xoa dịu cuộc khủng hoảng di cư tại Brussels.
Hãng tin BBC cho biết, gần 600.000 người di cư đã đến EU bằng đường biển trong năm nay, hầu hết thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng được cho là hiện đang có 2 triệu người di cư, chủ yếu đến từ nước láng giềng Syria.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU muốn hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, mong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một kế hoạch hành động chung bao gồm: Hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và thủ tục cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này đối phó với những người di cư; Có được sự cho phép từ Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường tuần tra bờ biển EU; Đấu tranh chống nạn buôn người; Tăng cường các hoạt động trao trả người tị nạn.
Dòng người di cư ồ ạt tràn vào EU đang khiến các nhà lãnh đạo của khối "dau đầu" |
Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành nhiều biện pháp khác nhau bao gồm thực hiện các thủ tục xin tị nạn và ưu tiên mở cửa 6 trung tâm tiếp nhận người tị nạn được xây dựng với sự đồng tài trợ của EU.
Tuy nhiên, Ankara dự kiến sẽ gây áp lực để thúc đẩy tiến trình miễn thị thực cho công dân nước này vào các nước châu Âu.
Trước cuộc họp hôm nay, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đã cảnh báo rằng, nhượng bộ này sẽ chỉ được chấp nhận nếu Thổ Nhĩ Kỳ giúp giảm bớt dòng người di cư, hiện đang ở mức kỷ lục. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến cũng sẽ có các cuộc đàm phán với Ankara vào cuối tuần này.
Cho đến thời điểm này của năm 2015, 710.000 người di cư đã tới EU so với con số 282.000 người của cả năm 2014. Trong một bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo EU trước hội nghị thượng đỉnh hôm nay, ông Tusk đã cảnh báo, tình hình trong khu vực đang "khó khăn và rất phức tạp về mặt chính trị".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.