Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU thỏa thuận về giám sát ngân hàng

V.A| 19/10/2012 10:11

(HNMO) - Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí thiết lập một cơ quan giám sát duy nhất cho các ngân hàng khu vực châu Âu trong năm tới.


Một khung pháp lý sẽ được thoả thuận giữa các quốc gia thành viên vào ngày 1/1/2013.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ được giao trách nhiệm giám sát, với quyền can thiệp vào bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Thỏa thuận này dường như là một thỏa hiệp giữa Pháp và Đức, những nước trước đó đã bất đồng về thời điểm và số lượng ngân hàng mà ECB sẽ giám sát.

Pháp và Ủy ban châu Âu đã muốn giám sát ngân hàng chung, với ECB nắm vai trò lãnh đạo, được triển khai vào tháng 1.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Merkel đã thận trọng hơn. Bà nói rằng kỷ luật ngân sách quốc gia là ưu tiên.

Phát ngôn viên Ủy ban Olivier Bailly cho biết, đã có một "thỏa thuận trên khuôn khổ chính trị cho cuối năm 2012 và thực hiện dần trong năm 2013" về cơ chế giám sát mới duy nhất của EU (SSM) cho các ngân hàng.

Nói về thỏa thuận này, Chủ tịch Ủy ban Jose Manuel Barroso cho biết, ECB "sẽ có thể can thiệp nếu cần thiết vào bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực đồng euro".


Đức đã mâu thuẫn với Ủy ban châu Âu về phạm vi giám sát được đề xuất của ECB. Theo dự thảo kế hoạch, toàn bộ 6.000 ngân hàng trong khu vực 17 quốc gia thuộc khối đồng tiền chung châu Âu sẽ bị điều chỉnh, nhưng Đức đã muốn giới hạn các ngân hàng lớn nhất, "có hệ thống" nhất.

Trước đó, chính phủ Đức đã bày tỏ lo ngại về việc giữ trách nhiệm giám sát ở Đức với Landesbanks – các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tài chính đất nước của các vùng liên bang Đức.

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí, các trách nhiệm giám sát ngân hàng mới của ECB sẽ được phân tách một cách nghiêm khắc khỏi vai trò của nó trong việc thiết lập chính sách tiền tệ.

Kế hoạch hợp nhất ngân hàng đang đầy rẫy những rắc rối về mặt pháp lý, vì nó sẽ cung cấp cho ECB nhiều quyền hạn hơn và có thể làm suy yếu những cơ quan quản lý quốc gia. Có suy đoán rằng, nó có thể dẫn đến những thay đổi hiệp ước – thứ mà đã từng khiến EU đau đầu lớn trong quá khứ.

Vương quốc Anh - trung tâm tài chính của EU - muốn các biện pháp an toàn để bảo vệ quyền hạn của Ngân hàng Anh.

Vương quốc Anh và một vài nước trong số 9 nước không nằm trong khu vực đồng euro cũng lo ngại về các quyền biểu quyết trong liên đoàn ngân hàng được đề xuất.

Tuy nhiên, ông Barroso cho biết, sự sắp xếp sẽ “đầy đủ nhất có thể về mặt pháp lý để các thành viên không nằm trong khối đồng euro có thể tham gia nếu họ muốn". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
EU thỏa thuận về giám sát ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.