(HNM) - Ngày 8-1 (giờ địa phương), tại hội nghị được tổ chức ở thủ đô Brussels (Bỉ), mở màn cho các cuộc thảo luận về tài chính của Liên minh Châu Âu (EU) trong 7 năm tới, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi mở rộng ngân sách chung của khối để tăng cường chi tiêu cho quốc phòng...
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker trong một cuộc gặp tại Brussels (Bỉ). (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chủ tịch EC J.Juncker kỳ vọng, ngân sách thời gian tới của EU cần lớn hơn 1% GDP hiện tại của Liên minh, bất chấp việc một trong những nước đóng góp tài chính lớn nhất là Anh sẽ rời “mái nhà chung” vào tháng 3-2019 và cam kết đóng góp đến hết năm 2020. Trong khi đó, Ủy viên phụ trách ngân sách EU Gunther Oettinger đề xuất thực hiện tiết kiệm từ các khoản chi tiêu hiện tại để bù đắp khoảng 50% số tiền thiếu hụt, đồng thời tìm kiếm những nguồn tài trợ mới cho các khoản còn thiếu.
Với sự ra đi của Anh, ngân sách hằng năm của EU sẽ giảm khoảng 12 tỷ euro (tương đương 16 tỷ USD). Như vậy, quỹ chi tiêu cho một vài lĩnh vực sẽ bị cắt giảm để dồn nguồn lực cho một số chương trình chung. “Lỗ hổng” tài chính này cũng đang gây ra nhiều bất đồng giữa các nước Tây Âu không muốn bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách và các nước Đông Âu đang lo ngại sẽ chịu sự cắt giảm trợ cấp từ EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.