Ngày 21-12, đại biểu Nghị viện châu Âu (EP) Tomáš Zdechovský cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 13 và 14 nhằm vào Nga.
Theo chính trị gia người Séc, việc triển khai các biện pháp trừng phạt mới không mất nhiều thời gian và sẽ sớm được đưa ra lấy ý kiến của các nước thành viên EU.
Trong khi đó, một đại biểu EP khác đến từ Estonia, bà Jana Toom cho biết, các biện pháp trừng phạt mới có thể chủ yếu đến từ các nước vùng Baltic.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh EU vừa thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Danh sách hạn chế bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương trang sức, propan hóa lỏng, dây đồng và nhôm, pin lithium và linh kiện cho máy bay không người lái.
Trong khi đó, bà Daria Ushkalova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô quốc tế và quan hệ kinh tế đối ngoại, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS) cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga không có hiệu quả do hiệu ứng “bẫy nước lớn”. Bản chất của hiệu ứng này là khi một quốc gia đóng vai trò “người chơi chính” trong bất kỳ thị trường nào, việc hạn chế nguồn cung chắc chắn sẽ đẩy giá thế giới tăng.
Nói một cách cụ thể, các mặt hàng của Nga bị hạn chế xuất khẩu sẽ dẫn tới nguồn cung trên thị trường toàn cầu bị thiếu hụt. Giá cả các mặt hàng khan hiếm sẽ tăng lên theo quy luật cung - cầu. Doanh thu tăng sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm về số lượng.
Các chuyên gia kinh tế RAS cho rằng, hiệu ứng “bẫy nước lớn” sẽ giúp Nga dễ dàng đối phó với các lệnh trừng phạt từ EU.
Để trả đũa gói trừng phạt thứ 12 của EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc tịch thu cổ phần trị giá hàng tỷ USD của hai công ty OMV (Áo) và Wintershall Dea (Đức) trong các dự án khai thác khí đốt ở vùng Bắc Cực của Nga.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin nêu rõ, cổ phần của hai công ty nói trên tại mỏ Yuzhno-Ruskoye và các dự án Achimov sẽ được chuyển giao cho các công ty mới thành lập của Nga.
Cả mỏ Yuzhno-Russkoye và các dự án Achimov đều ở khu tự trị Yamalo-Nenets thuộc Siberia. Mátxcơva cho biết, sắc lệnh này nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia Nga khi phương Tây đã có các hành động không thân thiện liên quan đến các tài sản của Nga.
Bên cạnh đó, Nga đã mở rộng đáng kể danh sách đại diện của các tổ chức châu Âu và các nước thành viên EU bị cấm đến lãnh thổ nước này. Danh sách này bao gồm đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức thương mại EU, công dân của các nước thành viên EU chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện nhiều cơ quan châu Âu có liên quan tới hành động bất lợi nhằm vào Nga…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.