(HNMO) - Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu (CJEU) đã chính thức chặn đứng mọi nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ Apple
Theo Bloomberg, trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 12-2017, CJEU, vốn có quyền lực tư pháp cao nhất trong lãnh thổ Liên minh Châu Âu (EU), từng khẳng định Mỹ không có lợi ích trực tiếp liên quan tới khoản thuế mà Apple phải đóng tại Châu Âu.
Ngược lại, Washington cho rằng mình có quyền lợi trong các vấn đề thuế mà Apple đang đối mặt tại lục địa già, với lý do công ty này có thể yêu cầu khấu trừ thuế tại Mỹ đối với những khoản đã nộp tại Ireland. Thậm chí, Bộ Tài chính Mỹ còn nhận định EU đang cố tình biến mình thành một "bộ máy thuế đa quốc gia".
Đáp lại, EU khẳng định Ireland đã ưu đãi thuế cho Apple suốt nhiều năm, thậm chí thay đổi một số quy định để tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề thuế cho công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, theo luật pháp của khối, những ưu đãi kiểu như vậy không thể chỉ dành cho một doanh nghiệp. Khi điều đó xảy ra, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc.
Tới nay, Apple vẫn chuyển lượng lớn số tiền thu được trên toàn cầu qua Ireland, nhằm hạn chế tối đa mức thuế phải nộp. Theo số liệu của EC, hãng này nộp thuế tương đương 1% lợi nhuận vào năm 2003 và giảm chỉ còn 0,005% vào năm 2014. Trong khi cả Apple và Ireland đều khẳng định không làm bất cứ điều gì sai các quy định pháp luật, nhưng EC hiện đã đề xuất cơ chế thuế mới nhằm buộc Apple phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại nhiều nước EU.
Cuối năm 2016, Apple đã đạt được đồng thuận với EU về việc sẽ nộp số thuế khổng lồ nói trên thông qua Ireland. Tuy nhiên, chính phủ nước này lại tỏ ra trì hoãn, khiến EU buộc phải đưa Ireland ra Tòa án Công lý Châu Âu. Giới phân tích cho rằng lâu nay Dublin vẫn sử dụng các ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, và việc "xử lý" Apple sẽ khiến các doanh nghiệp quốc tế lo ngại khi hoạt động tại đây. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, khoản thanh toán đầu tiên trong tổng số gần 15,4 tỷ USD của Apple sẽ phải được nộp trong tháng này.
Thực tế, các tòa án Châu Âu đã liên tục đau đầu với các vụ việc liên quan tới thuế doanh nghiệp đa quốc gia suốt từ năm 2015. Khi ấy, EU đã yêu cầu Luxembourg phải thu hồi 250 triệu euro từ các thỏa thuận với Amazon, trong khi Bỉ cũng phải thu khoảng 700 triệu euro từ 35 công ty, bao gồm cả Anheuser-Busch InBev NV.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần rất nhỏ trong số hàng tỷ euro mà hàng loạt công ty đa quốc gia cố gắng chuyển về các "thiên đường thuế" Châu Âu, ra khỏi tầm kiểm soát của giới chức các nước mà họ đang kinh doanh hết sức phát đạt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.