[eMagazine] Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 4
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến đường liên vùng kinh tế trọng điểm kết nối Thủ đô với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương trong vùng. Dự án đang được triển khai đúng tiến độ, được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến đường liên vùng kinh tế trọng điểm kết nối Thủ đô với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương trong vùng. Dự án đang được triển khai đúng tiến độ, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Cùng với cả hệ thống chính trị của Thủ đô, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, kịp thời ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đi qua 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc triển khai với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất. Ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, người dân các địa phương nơi có dự án đi qua đã đồng thuận, sẵn sàng làm thủ tục bàn giao mặt bằng để dự án có thể khởi công đúng tiến độ.
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Đây là đại dự án đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Dự án có ý nghĩa quan trọng này đi qua địa phận xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, với chiều dài khoảng 1,7km, tổng diện tích đất phải thu hồi là 18,13ha và di dời 427 ngôi mộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu, xã Dương Liễu đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sớm nhất huyện Hoài Đức, với sự đồng thuận rất cao của người dân.
Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng chia sẻ: “Kinh nghiệm của địa phương là công khai, minh bạch các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng như quy hoạch để người dân nắm được, tham gia góp ý, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình, cá nhân mặc dù chưa nhận tiền hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng nhưng đã bàn giao đất để các hộ có mộ nằm trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện di chuyển mộ”.
Gia đình bà Phan Thị Lợi, thôn Gia, xã Dương Liễu, có 500m2 đất nông nghiệp. Khi được biết Dự án xây dựng đường Vành đai 4 sẽ đi qua hơn 400m2 đất, lúc đầu, gia đình bà còn băn khoăn về giá đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhận thức được đây là chủ trương lớn của Nhà nước, lấy đất để làm đường thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, gia đình đã thông suốt và chấp hành.
Xã Minh Khai, huyện Hoài Đức đang phấn đấu trong tháng 4-2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao đất phục vụ Dự án xây dựng đường Vành đai 4.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Thao cho biết, dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua xã Minh Khai dài 0,5km, diện tích bị ảnh hưởng 5,86ha liên quan đến 152 hộ gia đình, cá nhân, đi qua nghĩa trang nhân dân khu Ụ Pháo với diện tích 4.000m2, hơn 300 ngôi mộ phải di chuyển. Xác định tính chất quan trọng, cấp thiết của dự án, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ xã đến thôn, cụm dân cư tổ chức tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của dự án. Đến nay, 100% hộ dân có phần diện tích đất bị thu hồi đã nhận tiền hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng và di dời mồ mả.
Nói về sự đồng thuận của người dân, Chủ tịch xã Nguyễn Chí Thao chia sẻ: “Tại xã Minh Khai, việc chuyển mồ mả sau Tết Nguyên đán là việc chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương, người dân đã hiểu và đồng thuận. Hiện nay, xã chỉ còn hơn 70 ngôi mộ chưa di chuyển, song các hộ đã đăng ký thời gian thực hiện. Chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong tháng 4-2023”.
Hộ gia đình ông Lê Văn Minh, thôn Minh Hòa 1, xã Minh Khai, là gia đình đầu tiên thực hiện di dời mộ ngay sau Tết nguyên đán. Ông chia sẻ: “Đường Vành đai 4 đi qua xã Minh Khai có liên quan đến mồ mả nhà tôi. Theo phong tục, tập quán của địa phương, từ xưa đến nay, chưa có gia đình nào di chuyển mộ vào đầu năm mới. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của cộng đồng, của nhân dân, sau khi được tuyên truyền, giải thích, gia đình đã đồng thuận và thực hiện di chuyển “các cụ” về nơi ở mới vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua”.
Tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, nơi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 chạy qua có tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 30,3ha của 301 hộ gia đình, cá nhân và di chuyển trên 1.200 ngôi mộ thuộc nghĩa trang nhân dân thôn Bồng Lai.
Ðến ngày 14-2-2023, huyện Đan Phượng đã ban hành thông báo thu hồi 107 thửa đất trong dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân xã Hồng Hà. Trong đó, 7 hộ đã có quyết định thu hồi và nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng; 88 hộ đã kê khai kiểm đếm; 12 hộ chủ sử dụng đất đã chết và sai quy chủ. Xã di dời 384/1.050 ngôi mộ đã kê khai kiểm đếm (đạt 36,57%), hoàn thiện hồ sơ cho các hộ trong việc di chuyển mộ, đã chi trả việc di dời 334 mộ với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Ðối với phần diện tích đất ở của các hộ cần thu hồi, đủ điều kiện tái định cư, UBND xã đã lập quy hoạch chi tiết khu tái định cư, trên cơ sở chỉ giới đường đỏ đã được thành phố phê duyệt và thực hiện quy chủ đất khu tái định cư.
Tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua có chiều dài khoảng 800m, tổng diện tích khoảng 9,64ha với tổng số khoảng 240 hộ dân. Với kinh nghiệm "đi từng ngõ, vào từng nhà" để tuyên truyền vận động, cán bộ phường cùng cán bộ tổ dân phố đã trực tiếp tới từng hộ gia đình có đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Trung ương, thành phố về giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, công tác rà soát, kiểm đếm, lập hồ sơ quy chủ, đo đạc bồi thường Dự án trên địa bàn phường được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch. Qua đó, đã giúp người dân hiểu, đồng thuận, chủ động bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn đi qua thành phố Hà Nội, các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở đã nhận được sự đồng lòng và ủng hộ to lớn từ người dân. Đặc biệt, đã có rất nhiều hộ dân đồng tình, chủ động, tích cực bàn giao sớm mặt bằng cho dự án, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Song đến nay, việc chi trả tiền hỗ trợ vẫn còn chậm.
Chủ động bàn giao hơn 1.000m2 đất nông nghiệp để xã mở rộng nghĩa trang nhân dân dù chưa nhận tiền hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, bà Nguyễn Thị Nở, xóm 5, thôn Đông La, huyện Hoài Đức, chia sẻ: “Nhà nước chia cho chúng tôi đất, nếu bây giờ Nhà nước cần thì chúng tôi nhất trí. Tuy nhiên, ruộng gia đình tôi bây giờ chỉ còn 4 thước, nên mong muốn được nhận thêm sự hỗ trợ để gia đình đỡ vất vả”.
Gia đình ông Trần Tuấn, thôn Đình Đồng, xã Dương Liễu, đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Ông Tuấn cho biết, tại xã Dương Liễu, phần diện tích đất nông nghiệp canh tác còn rất ít, nay lại bị thu hồi, ông mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về việc làm, đào tạo nghề để thế hệ sau có công việc ổn định, phát triển kinh tế.
Con theo ông Doãn Ngọc Thìn, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng thì “ở nông thôn, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nay ruộng nương đã hết, vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm sớm chi trả tiền để người dân phát triển kinh tế; đồng thời, quan tâm cho người dân về phát triển nghề phụ”.
Là một trong những đơn vị có số mộ phải di chuyển để thực hiện dự án khá lớn, khoảng gần 1.100 ngôi của 367 hộ gia đình, đến nay, xã Đông La, huyện Hoài Đức đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho 204 hộ (548 ngôi mộ) với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Theo Chủ tịch HĐND xã Trịnh Đắc Chuyên, mặc dù xã đã vận động được 13 hộ bàn giao mặt bằng trước để các gia đình di chuyển mộ, song đến nay, mới chi trả tiền hỗ trợ di dời mộ được hơn 50%, và chỉ có hơn 300 ngôi mộ được di dời. Người dân trên địa bàn kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai giải phóng mặt bằng thu hồi đất, làm hạ tầng của khu nghĩa trang, sau đó, nhân dân sẽ di chuyển mộ chí.
Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng chia sẻ, việc di dời mồ mả, ngoài những khó khăn về phong tục, tập quán tại địa phương, còn một số khó khăn nhất định, đó là tại nghĩa trang cũ của xã, diện tích để phục vụ di dời giải phóng mặt bằng gần như không còn. Vì vậy, UBND xã đã báo cáo huyện và thành phố xin mở rộng nghĩa trang nhân dân để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mặc dù quy hoạch đã được UBND thành phố và các sở, ngành phê duyệt, song dự án vẫn chưa được triển khai, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ có đất nằm trong phạm vi quy hoạch mở rộng khuôn viên nghĩa trang nhân dân bàn giao đất sớm (dù chưa nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng) để UBND xã, các cơ quan của huyện bố trí, sắp xếp cho người dân có mộ nằm trong phạm vi dự án thực hiện di dời, góp phần hoàn thành công tác di dời mồ mả.
“Mong Nhà nước, thành phố, các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân xã để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án tới đây đối với các phần mộ chìm, mộ vô chủ (nếu có); đồng thời, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, phục vụ nhu cầu thăm viếng của người dân. Về dự án đường Vành đai 4, rất mong các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm hoàn thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng bày tỏ.
Có thể nói, Dự án đường Vành đai 4 đã được người dân đồng thuận rất cao với mong muốn mở mang, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển Thủ đô Hà Nội. Những mong muốn của người dân là chính đáng, vì thế, rất cần có chính sách kịp thời để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên.
Với trách nhiệm của cơ quan dân cử, Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động vào cuộc khảo sát, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để tìm hiểu các vướng mắc, khó khăn, từ đó phản ánh cũng như kịp thời ban hành các quyết sách trong thẩm quyền.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến dự án này và đã thực hiện nhiều công việc liên quan đến việc phê duyệt các dự án tổng thể, các dự án thành phần, nhất là công tác giải phóng mặt bằng tại 7 quận, huyện.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch khảo sát tình hình, tiến độ triển khai Dự án ngay từ những ngày đầu, với mục đích nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tiến độ triển khai dự án, nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động triển khai dự án.
Đoàn khảo sát đã nghiên cứu, khảo sát thông qua báo cáo của 7 quận, huyện: Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh và Sóc Sơn; 6 sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố; trực tiếp khảo sát tại 4 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh.
Trong quá trình thực hiện khảo sát, Thường trực HĐND thành phố đã xuống hiện trường, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như của các cơ quan, địa phương liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Qua khảo sát, việc tổ chức triển khai dự án trên địa bàn thành phố bảo đảm tiến độ đề ra, trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được các quận, huyện vào cuộc khẩn trương. Tính đến ngày 21-2-2023, tổng diện tích đất đã thu hồi ở các quận, huyện có dự án đi qua là 219,05/803,35ha, đạt 27,27% diện tích đất thu hồi; số mộ đã di chuyển là 5.254/10.856 ngôi, đạt 48,04%; tổng số tiền đã chi trả 1.779,39 tỷ đồng.
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân, qua khảo sát thực tế, Thường trực HĐND Thành phố cũng phát hiện những vấn đề cần phải xử lý ngay như phân bổ nguồn vốn để giải phóng mặt bằng; các dự án sử dụng đất phải thu hồi cần có Nghị quyết của HĐND thành phố để phục vụ công tác tái định cư, di dời mộ phần, đầu tư xây dựng hoàn trả các công trình phúc lợi trên địa giới của các quận, huyện do đường vành đai 4 đi qua.
Bên cạnh đó, UBND thành phố còn một số nội dung chưa kịp thời trong chỉ đạo các sở, ngành có hướng dẫn về các thủ tục ứng vốn, xác định đơn giá đặc thù, giải quyết các kiến nghị của địa phương về chính sách đất đai như thu hồi đất chéo, méo, tách thửa...
Đặc biệt, UBND các quận, huyện còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định hiện hành về giải phóng mặt bằng; công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân; nhất là chưa có kế hoạch chi tiết về tiến độ giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành với các quận, huyện còn chưa chủ động; chưa đáp ứng được việc giải quyết ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của các đơn vị cũng như của thành phố, như: Cơ chế tạm ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, hướng dẫn quận, huyện xây dựng đơn giá bồi thường đối với việc di dời mộ tổ, mộ đặc biệt.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ngay sau khảo sát, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận cao khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất thực hiện dự án.
Đồng thời, chỉ đạo nắm bắt dư luận, tư tưởng của nhân dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và các dự án thành phần.
Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo rà soát các nội dung liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 cần trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 11) tháng 3-2023 của HĐND thành phố (như vấn đề bố trí vốn đầu tư cho dự án thành phần 1.1, dự án thành phần 2.1, dự án thành phần 3; kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất liên quan đến Dự án, các cơ chế chính sách phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án…).
Đồng thời, đề nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bảo đảm tiến độ đề ra; các quận, huyện xây dựng cụ thể kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cho tới khi hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu và các vật liệu xây dựng chủ yếu phục vụ Dự án đầu tư bảo đảm trữ lượng khai thác, chất lượng, tiến độ cung cấp phù hợp tiến độ thực hiện các dự án thành phần. Rà soát nghiên cứu cho phép thu hồi đất chéo, méo, khó canh tác nằm ngoài chỉ giới để bảo đảm sau đầu tư tuyến đường được hoàn chỉnh đồng bộ cả về kỹ thuật, cảnh quan, cũng như thuận lợi cho quản lý.
Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị Thường trực HĐND các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua tăng cường giám sát đối với các nội dung khẩn cấp, ủy quyền cho quận, huyện nhằm đánh giá, đôn đốc bảo đảm tiến độ dự án; phát hiện những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng và công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư triển khai thực hiện dự án. Kiến nghị giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và hướng dẫn Thường trực HĐND cấp xã.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, trên cơ sở rà soát và tính cấp thiết, ngày 10-3-2023, tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục 24 dự án, trong đó có 3 dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân phục vụ triển khai dự án đường Vành đai 4 tại xã Cự Khê, Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai; xã Văn Bình, huyện Thường Tín…
HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố, trong đó, đáng chú ý là quyết nghị điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án, trong đó, riêng với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí 3.840 tỷ đồng.
Sự vào cuộc khẩn trương, đồng hành kịp thời của HĐND thành phố Hà Nội đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tinh thần ấy đã lan tỏa tới cơ sở, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp từ quận, huyện tới các xã, phường, thôn, tổ dân phố với quyết tâm chính trị cao. Những kết quả bước đầu đạt được là cơ sở để HĐND thành phố tiếp tục đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân đưa dự án “về đích” đúng hẹn.
Khi những “điểm nghẽn” về chính sách được tháo gỡ kịp thời, cũng là lúc các địa phương hối hả chạy đua cùng thời gian để giải phóng mặt bằng, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.
Vào cuộc muộn hơn so với các quận, huyện khác, song đến nay, huyện Hoài Đức đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt hơn 90ha diện tích đất nông nghiệp (đạt hơn 50%). Đáng chú ý, Hoài Đức là huyện có nhiều mồ mả phải di chuyển nhất, với hơn 2.200 ngôi mộ, đến nay đã di chuyển được hơn 1.400 ngôi mộ. Hiện nay, huyện và các sở, ngành đang phối hợp tốt để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến hết tháng 6-2023 đạt 197,9ha (khoảng 82,6%).
Chia sẻ về những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đều được huyện báo cáo hằng tuần và đã được Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ngành thành phố quan tâm tháo gỡ, giải quyết. Đặc biệt, các chính sách mới được HĐND thành phố ban hành tại kỳ họp thứ 11 vừa qua đã giúp huyện khắc phục được những vướng mắc, đây là điều kiện thuận lợi rất lớn, là cơ sở để huyện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch được giao.
Còn tại huyện Thường Tín, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh, các nghị quyết mới được HĐND thành phố ban hành tại kỳ họp vừa qua đã được triển khai rất tốt và thành công trên địa bàn huyện. Cơ bản nhân dân đồng tình rất cao Dự án đường Vành đai 4 và chấp hành tốt các công việc thuộc địa bàn được giao. Một số ý kiến về công tác đền bù đã được giải quyết kịp thời, ví dụ như dự án tái định cư của thôn Sâm Động, xã Vân Tảo, hay xã Yên Thái…, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Tại các địa bàn còn lại, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã có nhiều khởi sắc sau khi những “điểm nghẽn” về chính sách được tháo gỡ.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, nhằm bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, HĐND quận đã tổ chức kỳ họp thứ bảy (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện nghĩa trang tổ dân phố 9, phường Yên Nghĩa và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của quận.
Triển khai thực hiện dự án, quận có hơn 200 trường hợp bị thu hồi đất ở phải bố trí tái định cư và khoảng 2.000 ngôi mộ phải di dời; do yếu tố tâm linh và phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nên việc thẩm tra đối với phê duyệt chủ trương đầu tư cũng được HĐND quận chú trọng, trước đó đã thực hiện khảo sát địa bàn. Vì thế, sau khi thảo luận, HĐND quận đã nhất trí biểu quyết thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện nghĩa trang tổ dân phố 9, phường Yên Nghĩa. Sau khi ban hành nghị quyết, các cơ quan chức năng, người dân đang từng bước di chuyển quy tập mộ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4.
Tại huyện Mê Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xác định Dự án đường Vành đai 4 quan trọng, HĐND huyện cũng thực hiện thẩm tra, thảo luận rất kỹ một số dự án liên quan bảo đảm đủ điều kiện mới thông qua.
Có thể thấy, khi “người dân đồng thuận, chính quyền đồng hành” thì công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đã và đang đạt tiến độ đề ra.
Trong đó, đã hoàn thành cắm mốc để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố; phê duyệt Dự án thành phần 1.1 và Dự án thành phần 2.1; Dự án thành phần 3 đã được trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Các quận, huyện đã thực hiện di chuyển 5.448/10.912 ngôi mộ, đạt khoảng 50%; phê duyệt và thu hồi đất được 314,32/796,766ha, đạt 40%; phấn đấu đến ngày 30-6-2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, tuyến đường Vành đai 4 rất quan trọng - là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với các địa phương khác trong vùng. Không chỉ kỳ họp chuyên đề tháng 3-2023 HĐND thành phố ban hành một số nghị quyết để triển khai, mà trước đó, HĐND thành phố cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết 07/NQ-HĐND ngày 20-5-2022 thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án này.
Để phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, thời gian tới, Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố tiếp tục đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền của thành phố để kịp thời có những quyết sách trong thẩm quyền, quyết tâm đưa dự án triển khai đúng tiến độ.
Bài viết: Nguyễn Hợp
Thiết kế - Kỹ thuật: Thành Phong