(HNNN) - Ngày nay, cuộc sống của trẻ em Việt Nam đã được cải thiện, được quan tâm nhiều mặt, trẻ được học hành, chăm sóc y tế, được bảo vệ, vui chơi và khôn lớn đúng như những cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Song để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giúp trẻ tiếp tục phát triển toàn diện, cần sự chung tay, nỗ lực lớn hơn của cả cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng
Kể từ năm 1990, khi Việt Nam, nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể các cấp đã nỗ lực thực hiện tốt các quyền trẻ em, cải thiện cuộc sống cho trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tựu nhiều mặt cả về chính sách và thực tiễn. Luật Trẻ em 2016 đã đưa ra khung pháp lý nền tảng nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em...
Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Còn một bộ phận trẻ em chưa được bảo vệ quyền chính đáng, chưa được chăm sóc đầy đủ, chưa có điều kiện đến trường, bị bạo hành, bị ảnh hưởng bởi mặt tiêu cực của sự phát triển của công nghệ số, sự biến đổi của môi trường, hoặc do di cư, đô thị hóa... Để các quyền trẻ em được thực thi đầy đủ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân. Các biện pháp phòng ngừa, xử lý bạo lực, xâm hại trẻ em cần phải được ưu tiên triển khai thực hiện. Với các cơ quan chức năng, phải tiến hành kiểm tra liên ngành về thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Bà Dương Thị Lan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hàng Bột (quận Đống Đa):
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm
Tại phường Hàng Bột, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong phường hết sức quan tâm. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn để chăm sóc tốt nhất phụ nữ trước và sau sinh, chăm sóc ban đầu cho trẻ em. Các hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt đôn đốc từng gia đình để các bà mẹ đưa con đi uống vitamin A, tiêm phòng các loại bệnh đúng kỳ hạn. Với các cháu ở độ tuổi đến trường, chúng tôi phối hợp với các nhà trường, các chuyên gia y tế, tâm lý, xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục cách nhận biết, phòng chống xâm hại, bạo hành, trang bị kiến thức về giới tính, cách bảo vệ bản thân trong không gian mạng...
Trong khoảng 20 năm qua, tại địa bàn phường Hàng Bột, không xảy ra tình trạng trẻ em mắc tệ nạn xã hội, không xảy ra vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam:
Xử lý dứt điểm các vấn đề nổi cộm liên quan tới trẻ em
Trong suốt ba thập kỷ Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, những cam kết chính trị cũng như sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, những giải pháp tích cực của Chính phủ trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em. Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 được mở ra để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tuy vậy, dư luận xã hội còn băn khoăn khi tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn diễn ra, thậm chí ở ngay trong cơ sở giáo dục. Trẻ em di cư theo bố mẹ tới các thành phố sinh sống không có được điều kiện chăm sóc tốt nhất. Vẫn còn trẻ em phải lao động kiếm sống trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tai nạn thương tích trẻ em vẫn ở mức cao, đặc biệt là do tai nạn giao thông và đuối nước. Bữa ăn trường học còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn thực phẩm. Sức ép học hành, thi cử, chứng nghiện mạng xã hội, điện thoại thông minh làm nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý.
Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho trẻ em, thông qua các chương trình quốc gia trọng tâm, trọng điểm để giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề nổi cộm liên quan tới chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Tôi mong muốn cơ quan chức năng có liên quan cần nêu cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhanh chóng vào cuộc giải quyết rốt ráo các vụ việc tiêu cực liên quan tới trẻ em.
Bà Trần Thị Thoa (thôn 2, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì):
Không lấy quyền của người lớn áp đặt lên con trẻ
Có thể thấy rõ trẻ em ngày nay được quan tâm chăm sóc, phát triển toàn diện về mọi mặt. Các em được tiêm chủng phòng bệnh, uống vitamin A, được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí... Tại cơ sở thôn, tổ, khu dân cư, xã, phường rất quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động dành cho thiếu niên, nhi đồng như Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, hoạt động sinh hoạt hè, rằm Trung thu, tổng kết năm học, các hội diễn văn nghệ, thể thao... tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng sôi nổi, vui tươi.
Song trên thực tế, vẫn có gia đình chưa hiểu và chưa thực sự tôn trọng quyền của trẻ em đúng mức. Điều đó thể hiện cụ thể qua việc không ít bậc phụ huynh ép buộc con cái học hành quá mức; dạy con bằng roi vọt, mắng nhiếc hay đem bức xúc áp lực của bản thân đổ lên con trẻ; thiếu quan tâm chia sẻ động viên về mặt tinh thần... Thay vì lấy quyền của người lớn áp đặt lên con trẻ, người lớn cần thật sự tôn trọng quyền của trẻ, trao đổi, trò chuyện, cùng giải quyết vấn đề với trẻ, để các bé cảm nhận rõ sự quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, tự tin học hành, phát triển hết tiềm năng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.