Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Duyên gà” trong võ thuật cổ truyền

Minh Quang| 02/02/2017 07:09

(HNM) - Võ cổ truyền Việt Nam không thiếu duyên với con gà. Hình ảnh chú gà trống dũng mãnh luôn là nguồn cảm hứng để các võ sư tạo nên những bài võ, thế đánh cho đến biểu tượng của môn phái.

Từ bài võ thất truyền gần 200 năm

Năm 1989, làng võ cổ truyền Việt Nam đã bất ngờ được chứng kiến bài võ lạ do võ sư Ngô Bông (tỉnh Quảng Ngãi) biểu diễn tại Giải võ cổ truyền Bình Định. Bài võ đó không được giới thiệu cụ thể nhưng cách ra đòn, cách phòng thủ đầy ảo diệu đã gây ấn tượng mạnh với người làng võ. Phải đến năm 1993, ở Giải Võ cổ truyền toàn quốc, khi Ban tổ chức yêu cầu mỗi bài quyền biểu diễn phải có lời giới thiệu xuất xứ thì bài võ lạ kia mới rõ danh tính là “Hùng kê quyền” - sau này là một trong những bài quyền cơ bản của võ cổ truyền Việt Nam. Còn võ sư Ngô Bông (đã mất cách đây 6 năm) chính thức được coi là người “khai quật” lại một bài võ cổ tưởng đã thất truyền từ khoảng 200 năm trước. Bài võ này do Đông Định vương Nguyễn Lữ sáng chế sau khi xem một trận đấu gà chọi. Từ cách phòng thủ, né đòn rồi ra đòn phản công nhanh như chớp của con gà nhỏ hơn trước những đòn tấn công dồn dập của đối thủ to lớn hơn mà Đông Định vương Nguyễn Lữ đã tạo ra “Hùng kê quyền” rồi áp dụng cho nghĩa quân Tây Sơn. Cách thi triển bài võ này hoàn toàn phù hợp với người Việt Nam, vốn nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn.

Võ sinh biểu diễn “Hùng kê quyền”.



Sau khởi nghĩa Tây Sơn, bài võ này cũng ẩn vào dân gian cùng với các nghĩa quân Tây Sơn. Ông ngoại cố võ sư Ngô Bông vốn là nghĩa quân Tây Sơn đã truyền dạy bài võ này cho các thế hệ sau. Để rồi cơ duyên đến và cố võ sư Ngô Bông có dịp đưa bài võ này trở lại với làng võ cổ truyền Việt Nam. Đến lúc này, “Hùng kê quyền” vẫn được coi là “đặc sản” của võ cổ truyền Việt Nam. Người trong nghề võ vẫn bảo rằng, không khó bắt được hình các đường quyền, thủ pháp di chuyển tránh né, cách ra đòn phản công của "Hùng kê quyền" nhưng để thể hiện hết sự tinh túy, để hình và ý nhập vào nhau lại rất khó.

Ngoài bài “Hùng kê quyền” nổi tiếng, làng võ Việt Nam cũng biết đến những thế đánh trong võ “Kim kê”, cũng mô phỏng từ những đòn đánh của gà chọi do võ sư Đặng Văn Anh sáng tạo nên từ trước năm 1975.

Đến biểu tượng của một môn phái

Môn phái võ cổ truyền Nhất Nam đã lấy con gà là thành tố chính trong biểu tượng môn phái của mình. Võ sư Trần Phú Cử của môn phái Nhất Nam, trợ lý thân cận của Chưởng môn Ngô Xuân Bính, người lập nên môn phái, giải thích rằng: "Biểu tượng của môn phái Nhất Nam cũng là sự thể hiện triết học phương Đông, vốn luôn có âm - dương. Trong Nhất Nam, sự âm - dương được hình tượng hóa bằng con gà và con rắn. Trong đó, con rắn như phần màu đen trong biểu tượng âm - dương, còn con gà như phần màu trắng mang hàm ý tốt đẹp, cao thượng. Đưa cả con gà và con rắn vào biểu tượng môn phái cũng nhằm hàm ý về sự tồn tại, sự đấu tranh với nhau giữa cái xấu, cái tốt trong cuộc sống. Trong biểu tượng này, con gà thắng thế khi đè chân lên con rắn nhưng con rắn vẫn cố vùng vẫy. Tất cả để gửi đến thông điệp rằng cái tốt sẽ luôn áp đảo cái xấu nhưng cái xấu khó chịu thua nên cuộc chiến giữa cái tốt - cái xấu luôn xảy ra”.

Biểu tượng trên còn mang nhiều hàm ý sâu xa. Võ sư Trần Phú Cử nói rằng, cái xấu - cái tốt đều hiện hữu trong mỗi con người. Thế nên người tập võ không trui rèn, tu luyện đạo đức, ý chí thì khó thành tài, dễ trở thành người xấu. Còn nếu chịu khó tu luyện và hướng việc tập võ vào những mục tiêu cao đẹp thì sẽ giúp ích cho bản thân, xã hội cũng như chuyện gà trống thắng thế trước con rắn trong biểu tượng môn phái. Tuy vậy, người tập phải hiểu được rằng, nếu chủ quan, coi thường đối thủ cũng như quá tự tin vào bản thân thì rất dễ thất bại, có thể trở thành người xấu. Cũng như chuyện con rắn luôn tìm cách vùng lên để đánh bại con gà trên biểu tượng môn phái vậy. Đấy là thông điệp cho môn sinh của môn phái để họ luôn chú ý rèn chí, rèn tâm ở mọi nơi, mọi lúc.

Đây có lẽ cũng là câu chuyện chung trong nhiều lĩnh vực của đời sống, như là sự nhắc nhở với mỗi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Duyên gà” trong võ thuật cổ truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.