(HNM) - Nhiều nước đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến trình đưa ra các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc thuế này để vừa bảo đảm hài hòa trách nhiệm tuân thủ quy định chung trên sân chơi thương mại quốc tế và lợi ích quốc gia về cạnh tranh thuế, vừa duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, nhằm giải quyết những rủi ro tiềm ẩn về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế. Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đồng thuận. Theo quy tắc này, các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Như vậy, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài nhưng nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước cư trú, nơi công ty có trụ sở chính.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần hạn chế hiện tượng trốn thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, song sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, về cơ chế, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ thu hút đầu tư. Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử nhận định, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Mức thuế suất phổ thông 20% cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, song thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương đưa ra các chính sách và giải pháp cho việc thực thi để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời vẫn giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần có chương trình hành động cụ thể về thực hiện thuế tối tiểu toàn cầu, từ đó tạo ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong trường hợp chưa thể hoàn thành việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trước năm 2024, cần nghiên cứu kỹ các quy tắc và hướng dẫn của OECD, xem xét xây dựng và ban hành quy định chính sách thuế tổi thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QMDT) như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác. Quy định về QMDT có thể được xem như một cơ chế thuế song song với thuế tối thiểu toàn cầu. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về quy trình, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Tháng 8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” diễn ra mới đây, chia sẻ thông tin về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắt, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa ra mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD; tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam. Về trung hạn, Tổng cục Thuế kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.