Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt Việt Nam: Thay đổi để tự cứu mình!

Tuấn Lương| 24/01/2016 05:52

(HNM) -

Chưa linh hoạt về giá cước

Là một khách hàng truyền thống của Tổng công ty ĐSVN, ông Lê Văn Thận, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Traco1 cho biết, sản lượng vận tải của Traco1 trong năm 2014 đạt 2,4 triệu tấn hàng hóa, trong đó 800.000 tấn vận chuyển bằng đường sắt. Năm 2015, sản lượng hàng hóa vận chuyển trên các tuyến đường sắt của Traco1 tăng gần 300% so với năm 2014. Một trong những yếu tố tăng sản lượng là do ngành Đường sắt đã minh bạch hơn làm cho khách hàng muốn gắn bó hơn. Tuy nhiên, khi hạ tầng và các loại hình vận tải khác đang rất phát triển và đang tìm cách hạ giá thành vận chuyển để giành giật thị phần thì biểu giá cước của đường sắt với các loại hình vận tải khác vẫn đang cao…

Công tác vận tải hàng hóa bằng đường sắt không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.


Nhiều ý kiến cho rằng, đã qua cái thời "một mình một chợ". Ngành ĐSVN có không ít lợi thế, nhưng lại chưa tháo gỡ hết "điểm nghẽn". Cụ thể là phải vận dụng, nối dài mạng đường sắt đã có ra đến các cảng biển, các trung tâm hàng hóa… Như với tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, sau khi hàng đến Hải Phòng bằng đường sắt nhưng sau đó lại phải thuê ô tô chuyển hàng xuống cảng Chùa Vẽ rất vất vả. Nếu có thể nghiên cứu đầu tư nối ray thẳng xuống cảng Chùa Vẽ sẽ rất hiệu quả. Khi đó, giá cước dù có ngang bằng với đường bộ, đường thủy thì nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ chọn hợp tác với ngành Đường sắt…

Bà Trần Ngọc Minh Thu, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ vận tải Minh Thành Phát kiến nghị, ĐSVN nên rà soát, giảm bớt chi phí sức kéo, cắt giảm bớt thời gian bất hợp lý, rút ngắn thời gian dồn tàu ra luồng xếp dỡ nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển. Cùng với đó là áp dụng các chính sách giá linh hoạt theo mùa vụ và giá xăng dầu, có như thế mới tăng sức cạnh tranh.

Sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường

Có thể nói vài ba năm trở lại đây, diện mạo của ĐSVN đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, sự chuyển biến này còn chậm. Hiện ĐSVN vẫn đang phải lấy lợi nhuận vận tải hành khách bù cho vận tải hàng hóa. Trong khi quy luật đường sắt trên thế giới là lấy lãi từ vận chuyển hàng hóa bù cho vận chuyển hành khách.

Tại hội nghị khách hàng nói trên, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho rằng, dư địa làm ăn giữa ĐSVN và doanh nghiệp hàng hóa còn rất lớn, nhưng điểm mấu chốt là giữa các bên phải nâng tầm quan hệ hơn nữa và cùng chủ động tháo gỡ những vướng mắc lâu nay. Rất cầu thị, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc ĐSVN đã thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt xin lỗi các doanh nghiệp vì những khúc mắc cũng như những hạn chế của ngành.

Ông Vũ Tá Tùng cho biết, ngành cũng đã nhìn thấy những khiếm khuyết của mình cũng như sức ép cạnh tranh để tồn tại, phát triển đang rất lớn. "Chúng tôi sẽ không đổi mới bằng nói suông mà phải bằng các giải pháp kinh doanh cụ thể. Ngay từ đầu năm 2016, Tổng công ty đã và đang tập trung tái cơ cấu, đổi mới toàn diện doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT; cử người đến các nhà máy, tập đoàn, các hãng sản xuất, bạn hàng thân thiết… để tìm hiểu xem khúc mắc ở chỗ nào để cùng nhau tìm hướng giải quyết có hiệu quả, đôi bên cùng có lợi" - ông Tùng nói.

Cũng theo cam kết của lãnh đạo ĐSVN, đối với vận tải hàng hóa, ngành sẽ đưa ra sản phẩm chất lượng, giá phù hợp với thị trường; tập trung phát triển mạng lưới vận tải đường sắt từ kho đến kho nối vào các cảng biển, khu công nghiệp chứ không chỉ là từ ga đến ga như hiện nay. Để làm được điều này, công ty mẹ (Tổng công ty ĐSVN) sẽ đầu tư từ vốn vay ODA, vốn tự có, ngân sách và xã hội hóa để nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt tại các ga đầu mối để rút ngắn thời gian thông quan. Các công ty con chỉ tập trung vào tìm kiếm các cơ hội để kinh doanh, phục vụ bạn hàng. Về giá cước sẽ đưa ra chính sách khuyến mãi. Bạn hàng thân thiết sẽ có những ưu đãi giá rõ ràng và minh bạch; mở các kênh khuyến mãi, chăm sóc khách hàng; chủ động tìm khách hàng và có những chính sách giá ưu tiên theo hướng cùng nhau phát triển; điều chỉnh giá cước theo từng giai đoạn và biến động của thị trường để tăng khả năng cạnh tranh và hạn chế một chiều chạy rỗng. Không thể để khách hàng thường xuyên chuyên chở 1 triệu tấn cũng chịu giá cước như khách hàng chỉ 30 tấn. Đối với vận tải hành khách cũng phải nghiên cứu để có những chính sách giá vé linh hoạt, ưu đãi về giá với những khách hàng mua xa ngày khởi hành với nhiều khung giá giống như cách làm của ngành hàng không. Về hành khách, hàng không đang có chiến lược giá linh hoạt, đường sắt cũng phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt Việt Nam: Thay đổi để tự cứu mình!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.