Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đường lớn” đã mở!

Hồng Sơn| 22/02/2015 06:50

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1-2015, cả nước có 2.872 doanh nghiệp (DN) đã tạm dừng hoạt động quay trở lại sản xuất, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, mặc dù bức tranh DN chưa như kỳ vọng nhưng nhìn chung "mảng sáng" vẫn chiếm phần chủ đạo, cho thấy quá trình hồi phục của DN đang diễn ra và sẽ là xu hướng chủ đạo của năm. Đáng lưu ý là năm 2015, Luật Đầu tư và Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ đi vào cuộc sống, tạo khuôn khổ cho giới đầu tư cũng như mọi công dân được tham gia kinh doanh; từ đó khơi thông nguồn vốn còn tiềm ẩn trong xã hội. Công tác cải cách hành chính, nhất là về thủ tục thành lập DN, thuế và hải quan cũng được quan tâm, triển khai thực hiện với tốc độ và quyết tâm cao từ cấp vĩ mô đến từng cơ quan chức năng, địa phương cụ thể. Năm nay cũng là lúc chính quyền các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chất lượng điều hành. Đương nhiên, các DN là đối tượng được hỗ trợ và hưởng lợi trực tiếp từ các xu hướng cải cách đó.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Cửu Long. Ảnh: Bảo Lâm


Xét về cơ hội khách quan, năm 2015 được kỳ vọng sẽ là lúc "đổi vận" đối với DN Việt Nam, tức là chấm dứt thời gian suy giảm kéo dài mấy năm qua thông qua hội nhập quốc tế. Trước hết, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và đối tác song phương hoặc đa phương sẽ được ký kết trong năm nay như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những sự kiện có ý nghĩa rất lớn, nhất là tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của DN trong nước. Trong đó, đặc điểm nổi bật nhất là mức thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu của hàng Việt vào thị trường các đối tác nói trên sẽ lùi xuống mức rất thấp, đồng thời phần lớn dòng thuế cũng từng bước hạ xuống 0%. Điều đó có nghĩa là cơ hội và quyền cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần, khu vực kinh tế sẽ được thiết lập. Như vậy, các đơn vị sản xuất những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ta như hàng dệt may, da giày, thủy sản, điện thoại di động… sẽ tận dụng được thời cơ để nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, TPP là thị trường rất lớn, chiếm khoảng 40% tổng giá trị buôn bán toàn cầu và sẽ "mở toang" đối với DN nước ta.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi lớn, chủ yếu thông qua việc gia tăng cơ hội và quy mô xuất khẩu khi tham gia TPP. Nguyên nhân là, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam khác biệt so với hàng hóa của các thành viên khác thuộc tổ chức này; trong đó một số sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đồng thời là sản phẩm truyền thống nên không bị cạnh tranh trực tiếp. Ngược lại, DN Việt Nam có thể xuất khẩu đến mức tối đa nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng và có giá bán hợp lý. Riêng hàng dệt may sẽ có dịp “bùng nổ” nếu tận dụng tốt cơ hội và lợi thế chi phí giá nhân công rẻ hơn hẳn so với bất kỳ thành viên nào trong số các nước tham gia TPP.

Song, việc hội nhập sâu rộng cũng có thể gây khó khăn nhất định cho DN trong nước, nhất là đối với DN quy mô nhỏ khi AEC chính thức có hiệu lực vào ngày cuối cùng của năm 2015. Đơn cử, một số quốc gia thành viên AEC cũng có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu gần giống Việt Nam, nhất là hàng nông thủy sản, gia dụng. Vì vậy, nếu DN Việt Nam không đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt và giá bán phù hợp sẽ bị DN trong khu vực cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà, chứ chưa nói đến việc có thể đứng vững ở thị trường các nước này. Ngoài ra, hiện có tới hơn 60% số DN hiện chưa chuẩn bị tốt cho việc tham gia thị trường AEC, từ đó thiếu thông tin về thị hiếu tiêu dùng, quy định pháp lý cũng như những ưu đãi mà mình có thể được hưởng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có sự hỗ trợ về thông tin, tư vấn kết hợp với hoạt động xúc tiến thương mại từ phía cơ quan chức năng. Ngoài ra, DN "nội" cũng cần sớm khắc phục một số hạn chế khác như: Thiếu cập nhật về công nghệ và yếu kém về nguồn nhân lực kỹ thuật cao; hạn chế về năng lực quản trị, nhất là về pháp luật và xử lý tranh chấp thương mại; tình trạng "thờ ơ" với hoạt động thương mại và thanh toán điện tử; thiếu quan tâm đến việc mở rộng liên kết giữa các đơn vị hoạt động cùng ngành nghề cũng sẽ là rào cản không dễ vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đường lớn” đã mở!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.