(HNM) - Xóm Thượng, Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) có 300 hộ dân nhưng được Nhà nước đền bù thu hồi đất tới 760 tỷ đồng để xây dựng dự án đường nối Hà Đông với các huyện phía nam.
Khi dân xóm Thượng được đền bù đất, UBND xã Cự Khê tổ chức 2 cuộc họp kêu gọi bà con tiết kiệm, không nên phá hủy nhà ở còn giá trị để xây nhà mới. Nhưng sẵn có tiền trong tay, các hộ dân đua nhau đập nhà cũ, xây nhà mới cao tầng, đồ sộ và sắm những chiếc xe tay ga, đồ dùng đắt tiền. Chỉ vài tháng, nhưng cả xóm có 60 hộ xây nhà 3 tầng trở lên, 20 hộ sửa lại nhà, hàng quán mọc lên như nấm.
Chuyện nông dân được nhận tiền đền bù đất do Nhà nước mở đường hay xây các khu đô thị lâu nay chẳng còn xa lạ gì, nhưng vấn đề là sử dụng đồng tiền đó thế nào để tạo công ăn việc làm và phát triển nghề mới. Tấm gương của nhiều địa phương hậu đền bù đất như An Khánh (Hoài Đức), Mễ Trì (Từ Liêm)... vẫn còn đó. Tại các địa phương này, nhiều hộ dân sau khi được nhận tiền đền bù thu hồi đất không tính toán vào việc học nghề, chuyển đổi nghề hay đầu tư phát triển kinh tế mà lại phung phí vào xây nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, phương tiện đắt tiền và hưởng thụ. Khi hết tiền, ruộng đất canh tác không còn, nghề nghiệp không có khiến nhiều nông dân bế tắc.
Sự việc đang diễn ra ở xóm Thượng khiến người ta liên tưởng đến chuyện con cá, cần câu. Con cá chính là số tiền lớn mà người nông dân được nhận, nếu chỉ vui mừng để hưởng thụ thì dù "cá" có lớn đến mấy cũng sẽ hết khi phung phí. Phung phí kết hợp với không chịu khó lao động, hệ quả “được cá, mất cần” sẽ xảy ra với người nông dân xóm Thượng là điều tất yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.