(HNM) - Chỉ đến khi cầu Thanh Trì nằm trên tuyến quốc lộ 1B thuộc địa phận Hà Nội lâm vào cảnh quá tải và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng mới công bố thông tin rằng nhiều năm qua, lưu lượng xe qua lại cây cầu này đã gấp khoảng 7,7 lần so với thiết kế.
Tương tự, sau khi xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 5 đoạn qua địa phận huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), các cơ quan liên quan mới tiến hành đo đếm để rồi đưa ra con số mức độ quá tải của tuyến đường này đã ở ngưỡng... gần 400%. Và rồi, các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết “điểm đen” tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì hay trên quốc lộ 5 đoạn qua huyện Kim Thành cũng chỉ được đưa ra tại các cuộc họp khắc phục hậu quả.
Theo quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-2-2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các công trình đường bộ đã được nâng cấp, cải tạo sẽ phải tiến hành thẩm định an toàn giao thông trong các trường hợp sau: Nếu xảy ra số vụ tai nạn giao thông tăng đột biến so với trước khi nâng cấp, cải tạo; lưu lượng xe thực tế tăng trên 30% so với lưu lượng xe thiết kế của kỳ tính toán; tình trạng đô thị hóa tăng trên 20% so với thời điểm đưa công trình vào khai thác. Việc thẩm định an toàn được tiến hành ngay cả đối với các tuyến quốc lộ đang khai thác nhằm kịp thời phát hiện những sự thay đổi của thực tế giao thông so với dự báo ban đầu, từ đó đề ra giải pháp để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Quy định rõ ràng là vậy, nhưng hiện phần lớn các tuyến quốc lộ đang khai thác chưa được thẩm định an toàn giao thông.
Theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm An toàn giao thông (Viện Chiến lược phát triển giao thông - vận tải), công tác thẩm định an toàn giao thông được ví như tiêm “vắc xin” ngừa tai nạn giao thông, tức là ngăn ngừa trước khi tai nạn xảy ra. Việc thẩm định an toàn giao thông có tác dụng vượt trội so với việc xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông.
Tầm quan trọng là vậy, song đáng tiếc là đến nay, công tác này chưa thực sự được các cơ quan chức năng chú trọng. Đã đến lúc, Bộ Giao thông - Vận tải cần phân công, phân nhiệm và có sự ràng buộc trách nhiệm bằng chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường công tác thẩm định an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc. Có như vậy, “vắc xin” mới thực sự có tác dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.