Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng vội tin ‘thuốc gia truyền’ bán trên mạng

Theo Hồng Trâm/Pháp luật TPHCM| 26/10/2015 09:43

Dù đa số “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.


Thời gian qua, mạng xã hội Facebook tràn lan quảng cáo các cơ sở chuyên bán đủ loại thuốc gia truyền trị dứt nhiều bệnh như hôi chân, hôi nách, đau dạ dày, viêm xoang... trong thời gian ngắn. Dù đa số các “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.

Muôn vàn “thần dược” trên mạng

Đăng nhập vào Facebook, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy vô số các tài khoản chuyên bán thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh mạn tính như “Bài thuốc dạ dày”, “Đông y Việt Nam”, “Thuốc gia truyền Việt Nam”, “Thảo dược Đông y giảm cân bà Dung”, “Thuốc điều kinh gia truyền bà Bục”… Không chỉ riêng Facebook, trên các mạng Zalo, Viber cũng có khá nhiều quảng cáo bán thuốc. Các tài khoản này đều giới thiệu chuyên trị các bệnh mạn tính và tên “lương y” bào chế thuốc rất sơ sài, đại khái như bà Dung, bà Bục, bà Hòe, ông Hai… nhưng vẫn có số lượng người theo dõi rất lớn.

Chúng tôi thử truy cập vào trang Facebook có tên “Bài thuốc dạ dày” và nhìn thấy vô số lời quảng cáo kèm theo hình ảnh minh họa cam kết sẽ trị dứt bệnh trong vòng hai tuần, bảo đảm bán thuốc với giá rẻ nhất thị trường Việt Nam… Để lại số điện thoại của mình, chúng tôi nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự giới thiệu tên Vân - nhân viên của nhà thuốc 20B ngõ 278 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội. Theo Vân, bài thuốc gia truyền này được lương y Lê Hải Nam - một thầy thuốc giỏi nhất nhì Hà Nội (?) bào chế. “Bạn tìm đến đúng địa chỉ rồi đấy. Thuốc bên mình cam kết trị dứt bệnh này chỉ trong 15 ngày” - Vân khẳng định.

Theo giới thiệu của Vân, thang thuốc có giá 550.000 đồng cho một lộ trình 15 ngày uống. Khách hàng bị đau lâu năm cần uống 3-5 lộ trình. Khi được hỏi thành phần của bài thuốc, Vân từ chối trả lời với lý do “bí phương gia truyền không thể tiết lộ”. Nhưng khi chúng tôi đề cập tới một số vị thuốc phổ biến chuyên trị bệnh dạ dày như nghệ vàng, cam thảo dây, tam thất, đương quy… thì Vân vội vã xác nhận là trong bài thuốc của mình cũng có những vị ấy.

Cuối cùng, người phụ nữ này cho hay nếu mua hàng ở xa thì nhà thuốc sẽ gửi theo đường bưu điện với phí 20.000 đồng. Tiền mua thuốc khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp với nhân viên bưu điện. Để lấy lòng tin của khách, Vân cười xòa: “Thuốc bên mình vừa tốt lại vừa rẻ nhất thị trường. Nếu dùng không hết bệnh, mình sẽ đền tiền gấp 10 lần”.

Lấy lý do nhân viên không giới thiệu cụ thể về thành phần của “Bài thuốc dạ dày”, chúng tôi từ chối mua thuốc của Vân. Tuy nhiên, sau đó số điện thoại này liên tục gọi vào máy của chúng tôi. Thậm chí thời điểm đêm khuya, số máy này vẫn tiếp tục làm phiền bằng cách nhá máy.

Cơ sở Đông y thảo dược 20B ngõ 278 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội luôn trong tình trạng cửa đóng then cài và không có bất kỳ một biển hiệu nào. Bên trong chỉ có một kệ nhỏ bày vài hộp thuốc. Ảnh: Đ.TRUNG




Hình ảnh quảng cáo lọ thuốc “thần dược” giá rẻ đăng tải trên Facebook. Ảnh: HỒNG TRÂM


Tiền mất, tật mang

Lần sang một số tài khoản chuyên bán thuốc gia truyền khác, chúng tôi nhận thấy các trang này đều quảng cáo cho những cơ sở bán thuốc tại Hà Nội. Hình thức gọi điện thoại tư vấn chữa bệnh cho khách hàng của các nhân viên đều giống y nhau. Người gọi điện thoại tư vấn sản phẩm đều không nói chi tiết thành phần thuốc cũng như giới thiệu về lương y bào chế. Một số nhân viên “thật thà” hơn thì cho hay họ là đại lý và lấy sản phẩm trực tiếp từ lương y bào chế.

Chúng tôi thử tìm hiểu những người đã từng đặt mua thuốc qua mạng và không bất ngờ khi nhiều khách hàng cho hay bệnh tình không hề thuyên giảm. Anh Trịnh Kỳ (quận 5, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đặt mua một lọ thuốc trị viêm xoang của trang Đông y Việt Nam với giá 350.000 đồng. Tuy nhiên mới vài lần sử dụng tôi đã cảm thấy khó chịu, bệnh tình thậm chí còn có vẻ trở nặng hơn. Tôi nhắn tin cho tài khoản Facebook bán hàng thì họ chối không phải thuốc của họ. Tới khi tôi trưng ra biên lai của nhân viên bưu điện thì họ chặn Facebook của tôi luôn”.

Tương tự, chị Hoàng Liên (thợ làm tóc, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi dùng thuốc gần triệu bạc mà không thấy tác dụng. Tôi đem bức xúc viết lên tường Facebook để cảnh báo mọi người thì không thể nào viết được”.

“Uống không khỏi bệnh, hoàn tiền 100%”

Ngày 23-10, PV Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến cơ sở Đông y thảo dược ở 20B ngõ 278 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội. Cơ sở là một ngôi nhà bốn tầng, cửa đóng then cài. Phía ngoài không có bất kỳ một biển hiệu hay dấu hiệu nào cho thấy đây là cơ sở bán thuốc gia truyền. Bên trong chỉ trưng bày một vài hộp thuốc trên kệ.

Chúng tôi gọi cửa thì được một phụ nữ ngoài 20 tuổi tiếp, tự giới thiệu là nhân viên của cơ sở. Hỏi ở đây bán thuốc gì, nhân viên nói: “Bán rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng như thuốc chữa viêm xoang, đau dạ dày, sỏi thận, trĩ…”. Sau khi biết chúng tôi muốn mua thuốc chữa đau dạ dày, người phụ nữ này đưa ra một gói thuốc bột và một gói gồm nhiều loại rễ, lá cây… được quảng cáo là thảo dược quý hiếm trị bệnh đau dạ dày với giá 450.000 đồng. Nhãn trên gói thuốc chỉ ghi một số thông tin về công dụng, cách sử dụng, ngày sản xuất, địa chỉ cơ sở, hoàn toàn không ghi thành phần, số đăng ký.

Chúng tôi thắc mắc vì sao không có thành phần cũng như số đăng ký, nhân viên này thừa nhận thuốc chưa được Sở Y tế cấp số đăng ký. “Vì là thuốc gia truyền nên không thể ghi thành phần được. Nhiều người sử dụng thuốc ở đây đều đã khỏi bệnh. Nếu không khỏi, cơ sở hoàn lại tiền 100%” - nhân viên này khẳng định.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tầng một của tòa nhà là nơi giao dịch, bán hàng, còn tầng hai là cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, trên vỏ bao bì một số loại thuốc thì ghi cơ sở đóng gói ở Hòa Bình.


ĐẶNG TRUNG - NGỌC BẢO

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y. Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều mua thuốc từ những thầy lang vườn, qua quảng cáo trên mạng hay lời đồn thổi, giới thiệu từ người quen. Không ít người đã phải trả giá vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong.

BS NGUYỄN TRUNG CẤP, Phó khoa Cấp cứu BV

Bệnh nhiệt đới Trung ương

Người dân nên thận trọng, đừng vội tin các lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng hay bài thuốc của những thầy lang vườn. Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc.

Ông NGUYỄN XUÂN HƯỚNG,

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Thuốc y học cổ truyền lưu hành trên thị trường một phần do Sở Y tế các tỉnh, TP cấp phép, còn chủ yếu do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép. Việc bán tràn lan trên mạng các loại thuốc y học cổ truyền chưa có số đăng ký rất khó xử lý, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị.


Ông PHẠM VŨ KHÁNH,

Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế

Nếu phát hiện cơ sở bán thuốc chưa được cấp phép, không có số đăng ký, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội sẽ phạt rất nặng. Mức phạt có thể 50-70 triệu đồng, ngoài ra sẽ buộc tiêu hủy thuốc hoặc sản phẩm không phải là thuốc không bảo đảm chất lượng.


Đại diện Sở Y tế TP Hà Nội

NGỌC BẢO ghi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng vội tin ‘thuốc gia truyền’ bán trên mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.