(HNM) - Gần hai tháng đã trôi qua, song với những người thân của 8 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) ngày 29-7 vừa qua, nỗi đau vẫn còn đó! Chủ quan, thiếu kỹ năng cũng như các trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động được xác định là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm này.
Số liệu thống kê mới nhất của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 4.388 vụ tai nạn lao động khiến 418 người chết và 843 người bị thương. Trong đó, xây dựng là lĩnh vực chiếm tỷ lệ tai nạn lao động nhiều nhất. Dù chưa có thống kê cụ thể về số người chết do tai nạn lao động ở nông thôn, song thống kê trên cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề bảo đảm an toàn lao động hiện nay.
Hiện nước ta có khoảng 35 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, tổ đội sản xuất, làng nghề… ở nông thôn. Vốn là “đất trăm nghề”, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ lớn lao động làm việc tại khu vực này, trong bối cảnh đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng.
Thế nhưng, môi trường làm việc tại các làng nghề luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, thiết bị bảo hộ; còn chủ quan, thiếu kỹ năng cần thiết trong thực hiện an toàn lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp, chủ sản xuất vì lợi nhuận mà ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện cho người lao động; thậm chí không biết môi trường làm việc có bảo đảm an toàn cho người lao động hay không.
Không chỉ trong các làng nghề, vấn đề bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước vẫn chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân; chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này.
Công nghiệp hóa nông nghiệp đang tạo ra bước chuyển trong đời sống nông thôn khi nhiều thiết bị máy móc hiện đại từng bước hỗ trợ công việc “tay chân” của người nông dân. Tuy nhiên, thiết bị càng hiện đại thì người lao động càng phải cẩn trọng hơn. Đừng chỉ vì một phút lơ là mà mất cả tính mạng, bởi tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
Để phòng ngừa, giảm tai nạn lao động ở nông thôn, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, bản thân người lao động hãy vì sức khỏe của mình, vì người thân mà cần nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa, giữ gìn môi trường lao động an toàn. Với các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh - kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường thực hiện an toàn lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, gây mất an toàn cho người lao động.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động ở khu vực nông thôn; thiết lập hệ thống quản lý và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác an toàn lao động tại địa phương; triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn lao động, tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra... Có như vậy mới góp phần bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng cho người lao động, tạo sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.