(HNM) - Xã hội phát triển, nhiều người có điều kiện sống, học tập, làm việc và sinh hoạt tốt hơn. Đó là điều đáng mừng, ngoại trừ những bày vẽ thái quá. Sự rườm rà đâu chỉ là không phù hợp, đôi khi còn gây hại, không chỉ với cá nhân mà còn với xã hội.
Như mới vào hè đã thấy "nóng" chuyện lo cho trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi vào lớp một. Có người lo cho con vào trường công, theo tuyến. Có người chọn trường xa, trường chất lượng cao, trường "điểm", những mô hình "hot" được nhiều người quan tâm. Lại có nhiều người chọn trường ngoài công lập, mà nhiều nơi trong số trường dạng này thường quảng cáo cách dạy - học có sự khác biệt so với trường công, tất nhiên là theo nghĩa hay đẹp, tiên tiến hơn nhiều. Mà với cách tự giới thiệu ấy thì hẳn là có nhiều người lao vào, bởi phụ huynh học sinh Việt Nam nổi tiếng về mức độ chăm lo con trẻ. Hệ lụy bắt đầu từ đấy.
Trong bối cảnh một thành phố lớn như Hà Nội còn thiếu trường thiếu lớp, sĩ số trường công cao, người ta có lý do để chuyển sang "hệ" mới. Nhiều người lại có xu hướng tập trung vào những trường "oách", tất nhiên là có một số trường ngoài công lập phải tính chuyện sàng lọc đầu vào - vừa là để cân bằng số học sinh theo quy định, vừa tự khẳng định tên tuổi. Thế là trong giới phụ huynh học sinh hình thành quan niệm về tiêu chí, như là muốn con mình vào trường thì phải dạy trẻ biết toán, tiếng Việt ngay từ mầm non, đặng "thi" đỗ… vào lớp một.
Người ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về tâm - sinh lý lứa tuổi và đưa ra kết luận về phương pháp chơi - học phù hợp. Nhà nước mất công soạn sách giáo khoa, lớp nào, cấp nào dạy - học gì, học tới đâu, chẳng có thứ sách nào theo cách ép trẻ mầm non phải học chương trình lớp một. Trong thực tế, gần đây, năm nào ngành giáo dục cũng có văn bản khuyến cáo các cơ sở giáo dục tuân thủ quy định chung, tuyệt đối không dạy trước chương trình cho trẻ.
Những sự oái oăm trong cách thức dạy trẻ phần lớn là do người lớn cả. Có quá nhiều phụ huynh học sinh, hoặc là không hiểu cách thức giáo dục, chăm sóc trẻ, hoặc là bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông dẫn đến ngộ nhận, nên bắt trẻ học sớm, học quá sức. Cái sự ấy dễ làm hỏng con trẻ, có thể khiến chúng sợ học, nảy sinh khuyết tật tâm lý, ít có thời gian chơi - điều mà trẻ nhỏ xứng đáng được hưởng đủ đầy… Một vài trẻ thì còn có thể coi là chuyện riêng, nhưng khi có quá nhiều trẻ, thuộc nhiều lứa tuổi lao đao với gánh nặng học hành thì cần phải coi đó là khuyết tật về mặt giáo dục. Trong trường hợp đề cập trên đây, lỗi phần nhiều thuộc về các gia đình, nhưng ngành giáo dục và nhiều nhà trường cũng cần tự xác định trách nhiệm khi để tình trạng không mong muốn kéo dài.
Từ chuyện con trẻ, ngẫm ra ở ta có nhiều thứ đáng gọi là "tự làm khổ mình". Phía sau suy nghĩ chăm nom lo lắng cho trẻ còn là tâm lý - xu hướng ganh đua, muốn hơn (bằng) người dù không hẳn có đủ điều kiện, năng lực. Chạy theo xu hướng ấy không chỉ tự làm khổ mình mà còn có thể tạo hệ lụy xã hội. Bởi, như người ta nói, cá nhân, gia đình là tế bào xã hội, từng tế bào suy yếu thì cơ thể không khỏe mạnh được.
Thế nên, xin đừng tự làm khổ mình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.