(HNM) - Ngồi rà soát lại thêm một lần tiểu sử các ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng như thẻ cử tri của mỗi thành viên trong gia đình, ông Hùng (Đống Đa) chợt quay sang hỏi vợ:
- Bà Nga này, thế thứ bảy này phải cho cô Nguyệt về quê để cô ấy đi thực hiện quyền công dân chứ?
- Tôi không thấy cô ấy nói gì cả - bà Nga trả lời rồi gọi với vào trong nhà, nơi cô giúp việc đang hí húi làm bếp:
- Nguyệt ơi! Chủ nhật này cháu có về quê bỏ phiếu bầu cử không đấy?
- Cháu không về. Cháu cũng không biết ở nhà có kê khai danh sách cho cháu đi bầu cử không nữa, vì lâu quá cháu chưa về nhà - cô giúp việc đáp lời.
- Chết! Thế thì không được. Để cô sang bảo bác tổ trưởng dân phố đề nghị đăng ký bầu cử, làm thẻ cử tri cho cháu. Cháu gọi về quê báo cho chồng biết để báo cho Ủy ban Bầu cử địa phương là đã tham gia bỏ phiếu ở Hà Nội rồi nhé.
- Có khi ở quê cũng làm thẻ cử tri cho cháu rồi. Cháu không về thì nhà cháu đi bỏ hộ cũng được mà.
- Ấy, không làm thế được. Mình phải đi thực hiện quyền công dân chứ.
Nói rồi bà Nga bảo cô giúp việc ghi cho bà vài dòng lý lịch trích ngang, đưa chứng minh thư nhân dân để bà đi làm thủ tục đăng ký bầu cử tại phường. Bà cũng không quên yêu cầu cô giúp việc lập tức gọi điện về quê báo cho chồng biết để thông báo cho Ủy ban Bầu cử địa phương.
Kể lại câu chuyện với Người Xây Dựng, ông Hùng nhắn nhủ bằng hai câu thơ:
Dù là lao động phổ thông
Quyền đi bỏ phiếu là không phải bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.