(HNM) - Kết thúc hội nghị
Trong một tuyên bố chung, 11 nước tham dự hội nghị cùng đại diện SNC cho biết sẽ ủng hộ hơn nữa lực lượng được phương Tây coi là đại diện hợp pháp của người dân Syria. Văn kiện cũng nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa và cho rằng điều này sẽ giúp các lực lượng chống đối tại Syria tăng cường "khả năng tự vệ" trước quân đội chính phủ. Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, trong những tháng tới, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ viện trợ cho lực lượng chống đối tại Syria khoảng 60 triệu USD hàng viện trợ gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men... Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Mỹ và các nước đồng minh chưa có ý định can thiệp quân sự vào tình hình rối ren tại Syria. Nhưng những gì diễn ra đã "tiếp thêm dầu vào lửa", đẩy cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông lún sâu vào bế tắc. Bộ Ngoại giao Nga, ngày 1-3, đã lên tiếng chỉ trích những tuyên bố tại hội nghị "Những người bạn của Syria". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich chỉ rõ, tuyên bố của hội nghị, cả về mặt câu chữ lẫn tinh thần, đều trực tiếp khuyến khích lực lượng cực đoan dùng vũ lực giành chính quyền, bất chấp điều này sẽ gây tổn hại không thể tránh khỏi cho dân thường ở Syria.
Thủ đô Damascus trở thành chiến trường ác liệt, trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria chưa tìm được lối thoát. |
Từ lâu, cộng đồng quốc tế đã có một nhận thức chung rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Syria mà nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực dưới mọi hình thức và nhanh chóng đưa các bên liên quan chuyển sang đối thoại chính trị, như tinh thần của thỏa thuận Geneva, đạt được tại hội nghị "Nhóm hành động về Syria" (ngày 30-6-2012). Có như vậy mới có thể thực hiện được những mục tiêu đặt ra là bảo đảm sự phát triển hòa bình và dân chủ của một nước Syria thống nhất, vì lợi ích của tất cả người dân Syria. Thế nhưng, đáng tiếc là những mong ước đó đang trở nên xa vời. Mặc dù, thời gian gần đây, Damascus đã nhiều lần "chìa bàn tay" đối thoại với phe đối lập, thậm chí, cuối tháng 2-2013, Ngoại trưởng Walid al-Muallem còn khẳng định, chính quyền nước này sẵn sàng đàm phán với tất cả các đảng phái, kể cả lực lượng nổi dậy vũ trang và muốn đối thoại để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự hưởng ứng của phe đối lập. Vấn đề ở đây là chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad là không thể tồn tại trong cái nhìn của phương Tây. Vì vậy, sự việc đã không xoay chuyển như mong đợi. Vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng nổi dậy ở Syria đã nhận được nhiều loại vũ khí hiện đại giúp thu hẹp chênh lệch về "sức mạnh" với lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Lô hàng "của các nước bảo trợ" được chuyển tới Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ gồm tiền mặt để chi trả cho các chiến binh, các thiết bị vác vai và di động, trong đó có vũ khí phòng không chống tăng, pháo và súng phóng lựu... Cùng thời gian này, SNC quyết định sẽ thành lập chính phủ để điều hành các khu vực quân nổi dậy đang kiểm soát. Trong khi đó, xung đột giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ Syria tiếp tục leo thang. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HWR) có trụ sở ở New York (Mỹ) vừa cho biết, quân đội Syria đã tăng cường tấn công bằng tên lửa đạn đạo Scud vào các khu vực phiến quân chiếm đóng...
Những gì đang diễn ra đã đặt Syria ở "ngã ba đường" nguy hiểm. Một giải pháp hòa bình bằng thương lượng chỉ có thể đạt được khi tất cả các bên ở Syria cùng đồng thuận với sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng mong muốn ấy không dễ thực hiện trong tương lai gần, bởi hiện tại vẫn đang có những thế lực tìm cách gây đổ vỡ hơn nữa nhằm đẩy nhanh quá trình sụp đổ của nhà nước Syria hiện hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.