(HNM) - Có một thông tin thời sự đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đó là việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ trong hai ngày 25 và 26-4.
Thực ra chuyện thi tuyển vị trí lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước đã không còn là chuyện lạ. Trong năm 2013, hàng loạt địa phương như Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Thái Bình… đã tổ chức thi và tuyển được hàng trăm cán bộ quản lý. Trong khi đó, ở cấp bộ, ngành mới đây cũng đã có Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển cán bộ cấp cục, tổng cục, học viện và giờ là Bộ GTVT.
Lâu nay, ở nước ta, việc bố trí, sắp xếp cán bộ phần lớn vẫn dựa trên cơ sở quy hoạch. Cách làm này thường mang tính chủ động, gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng và điều quan trọng là việc bổ nhiệm nhân sự theo quy trình "truyền thống" này bảo đảm được việc "thử thách" cán bộ. Chính việc luân chuyển cán bộ kinh qua nhiều vị trí, công việc khác nhau sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm và cả kiến thức, bản lĩnh cho cán bộ quản lý. Ngược lại, hình thức thi tuyển lãnh đạo lại có lợi thế là qua đó có thể phát hiện nhân tài ở những nguồn khác ngoài đơn vị thi tuyển, thậm chí ngoài cơ quan nhà nước. Thế nhưng, cách thức này cũng không phải là toàn vẹn, bởi dù người trúng tuyển có thể được đào tạo bài bản, có kiến thức lý luận cũng như kiến thức chuyên môn tốt để dễ dàng vượt qua kỳ sát hạch, nhưng chưa chắc đã có kỹ năng hoặc kinh nghiệm vượt trội trong lĩnh vực quản lý, điều hành…
Mặc dù còn đôi chút cấn cá nhưng phải khẳng định, thi tuyển cán bộ lãnh đạo là một cách làm mới, dân chủ, công khai, đặc biệt là qua đó có thể chọn được người thực tài. Cái được đầu tiên và lớn nhất của việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là sự minh bạch. Và như đánh giá của lãnh đạo một đơn vị tuyển dụng, "người đã dũng cảm tham gia kỳ thi thì cũng đã chuẩn bị tốt về nội dung, tinh thần, tư thế để sẵn sàng nhận nhiệm vụ". Việc (được) ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo thông qua con đường thi tuyển sẽ tạo ra những áp lực riêng, buộc người trúng tuyển phải thực sự toàn tâm toàn ý, trách nhiệm để đạt hiệu quả công việc cao nhất. Hơn nữa, ở góc độ nào đó, việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo sẽ xóa đi mối nghi ngờ về tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "con ông cháu cha".
Thế nhưng, trên thực tế thì không hẳn cứ tổ chức thi tuyển sẽ có ứng viên dự thi. Điển hình như đợt thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), dù đã thông báo cả thời gian dài nhưng cũng chỉ có hai ứng viên đăng ký, và đáng nói cả hai đều là "người trong nhà", tương tự như 4 ứng viên tham dự cuộc thi tuyển do Bộ GTVT tổ chức. Hay như trước đó, Bộ Tư pháp cũng dự tính thi tuyển lãnh đạo Cục Thi hành án nhưng do chỉ có duy nhất một ứng viên nên cuối cùng vẫn phải bổ nhiệm theo quy trình thông thường.
Xét cho cùng thì cách thức nào cũng có mặt hay, mặt dở. Thực tế, quy trình bổ nhiệm cán bộ đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, nếu các đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm thực hiện nghiêm túc sẽ chẳng thể có chuyện tiêu cực, cũng đồng nghĩa sẽ hạn chế việc ngồi "nhầm chỗ". Chính vì thế, dù có tuyển chọn bằng hình thức thi, có sự cạnh tranh giữa các ứng viên thì điều đáng quan tâm chính là sau tuyển dụng phải sử dụng người trúng tuyển sao cho hiệu quả, tạo được môi trường tốt nhất để họ thể hiện tối đa những khả năng, phẩm chất của mình. Bởi như người xưa đã đúc kết: "Dụng nhân như dụng mộc"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.